QĐND - Năm 2007, UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai) quyết định xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nằm ở phía đông thị trấn Chư Ty, với những nội dung mời gọi hấp dẫn… Nhưng chỉ sau một năm đi vào hoạt động, nhiều hộ dân bỏ đi, Khu TTCN  này đã “hóa thân” thành Khu sản xuất kinh doanh tập trung, song cũng không hiệu quả.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để có được Khu TTCN, UBND huyện Đức Cơ đã ưu ái dành hơn 10ha đất ngay tại thị trấn để xây dựng. Theo quy hoạch, tại đây cùng với việc bố trí diện tích đất để  kiến thiết một số công trình khác như bến xe, cây xăng… số còn lại được phân chia thành lô, mỗi lô có diện tích 600m2 và được chia thành hai khu A và B. Các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh khi vào Khu TTCN sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như thời gian đóng thuế, giá thuế, điện, nước... Mặc dù được ưu ái như vậy nhưng đến cuối năm 2007, mới có 22 người đăng ký thuê 30 lô để kinh doanh. Nhưng chỉ sau một năm hoạt động, các hộ dân ở đây đã nản vì Khu TTCN ít người, phương tiện giao thương hàng hóa, dân cư thưa thớt… Nhiều người đã ra thị trấn Chư Ty làm ăn. Khu TTCN trở nên đìu hiu, trống vắng.

Năm 2008, UBND huyện Đức Cơ đã đổi tên Khu TTCN thành Khu sản xuất kinh doanh (SXKD) tập trung. Khu SXKD tập trung của huyện quy hoạch thành các lô trên hai tuyến đường D3 và D4, điều chỉnh diện tích mỗi lô từ 600m2 theo quy hoạch ban đầu xuống còn 180m2. Đến nay, sau 3 đợt xét duyệt, đã có 91 tổ chức và hộ gia đình thuê đất và xây dựng cơ sở hạ tầng để làm các ngành nghề như: Đóng bàn ghế, giường tủ; ga-ra ô tô; buôn bán vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, do kinh doanh, sản xuất thua lỗ, nhiều hộ buộc phải đóng cửa, hoặc chuyển đi nơi khác, khiến tình trạng sản xuất kinh doanh ở đây lâm vào cảnh khốn khó.

Một góc Khu sản xuất kinh doanh tập trung huyện Đức Cơ vắng người qua lại.

 

Không giấu được nỗi buồn, anh Đào Quang Vinh, một trong những người thuê đất đầu tiên ở Khu SXKD Đức Cơ buôn bán cho biết: “Ban đầu vợ chồng tôi nghe nói Khu TTCN được huyện mở ra và đầu tư rất lớn, tương lai sẽ trở thành khu phố thị sầm uất. Thuê đất làm nhà, đầu tư quán xá buôn bán, nhưng khó khăn quá vì người bán nhiều hơn người mua. Nhà giàu thì họ đóng cửa đi nơi khác làm ăn, buôn bán, người nghèo thì cứ bám trụ nuôi hy vọng huyện đầu tư, nâng cấp… Khổ nỗi, số nợ vay ngân hàng để buôn bán không biết lấy gì để trả”.

Cùng tâm trạng như anh Vinh, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (43 tuổi) bộc bạch: “Trước đây, tôi thuê nhà sản xuất ở thị trấn Chư Ty, năm 2008 đến giờ tôi chuyển ra đây. Nói chung là khó làm ăn quá, thu nhập hằng năm không đủ tiền trang trải. Mong muốn của chúng tôi là UBND huyện phải đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, đầu tư đa hệ, nhiều chủng loại và chuyển các hộ khác ra khu này thì sản xuất mới mang tính tập trung và phát triển được”.

Từ nhà anh Vinh và ông Chỉnh, chúng tôi chạy xe qua cây xăng ngay ngã ba đường định đổ xăng, nhưng cây xăng này đã đóng cửa vì “không mấy người mua”. Đến bến xe thì cũng vắng tanh, phía xa xa trong góc hẹp có hai chiếc xe bị hỏng nằm im, phủ một lớp dày bụi đỏ. Ông Nguyễn Thế Phúc, Giám đốc DNTN Phúc Thắng, chủ Bến xe Đức Cơ cho biết: “Tôi thuê đất tại Khu SXKD tập trung này để làm bến xe. Lượng xe từ Đức Cơ đi các địa phương trong cả nước khá nhiều. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhiều chủ xe bỏ bến, không đăng ký bến, không vào bến, xe chạy không đúng tuyến, nạn xe dù bến cóc rất lộn xộn, mất trật tự. Tôi đã có ý kiến và nếu các ngành chức năng không can thiệp thì hoạt động của bến xe, một trong những “điểm nhấn” thúc đẩy sự phát triển ở Khu SXKD tập trung này tiếp tục khó khăn, thậm chí thua lỗ”.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lam, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Chúng tôi đã có chủ trương đưa tất cả các hộ kinh doanh có điều kiện, các hộ kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện vào Khu SXKD tập trung và họ đã có cam kết thực hiện trong năm 2013. Đối với các hộ đang sản xuất kinh doanh tại đây, huyện luôn khuyến khích. Còn hộ nào muốn trả lại đất thì huyện sẽ tiếp nhận và thông báo cho ai có nhu cầu để giao lại…”. Nói vậy, nhưng cái khó là các hộ đến đây đã bỏ vốn đầu tư rất lớn, gia đình nào ít cũng từ 300 đến 400 triệu đồng, có nhà đầu tư lên đến mấy tỷ đồng, giờ chuyển đi nơi khác thì không còn vốn để đầu tư. Mặt khác, đến nay đã gần hết tháng 3-2014, nhưng vẫn chưa thấy các hộ đã cam kết chuyển đến đây kinh doanh?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khu SXKD tập trung này chưa phát huy hiệu quả. Đó là do chính quyền địa phương chưa có biện pháp kiên quyết để vận động các hộ làm những ngành nghề như đã đăng ký ban đầu vào sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, nhiều công trình thiết yếu như chợ đầu mối, nước sinh hoạt… chưa được đầu tư xây dựng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, buôn bán, kinh doanh. Nguyện vọng của người dân chưa được các cơ quan chức năng giải quyết, can thiệp. Nếu chính quyền địa phương không triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thì khu sản xuất tập trung này vẫn trong tình trạng vắng vẻ và đời sống của người dân ở đây vẫn khó khăn.

Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI