Đánh thức Bàu Bàng

Bàu Bàng là một huyện mới, nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Tuy phát triển công nghiệp chậm hơn các huyện, thị khác trong tỉnh như Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, nhưng Bàu Bàng có quỹ đất dồi dào và được chuẩn bị kỹ càng để chuyển đổi mục đích sử dụng. Đó là cơ hội rất tốt để nơi đây có thể bỏ qua thời kỳ phát triển công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động cao, để ưu tiên phát triển vào những ngành khoa học công nghệ cao.

Tại huyện Bàu Bàng sẽ xây dựng và thu hút các trường đại học, các viện nghiên cứu để giáo dục, đào tạo, cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao, sau đó phát triển theo chiến lược “vết dầu loang”, lấy trường, viện làm hạt nhân để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới về hoạt động. Từ đó, từng bước biến Bàu Bàng và khu vực Thành phố mới Bình Dương thành hai cực trong “Vùng đổi mới sáng tạo”, đưa kinh tế của tỉnh Bình Dương bước vào thời kỳ mới, đó là kinh tế dựa trên tri thức, khoa học, đổi mới và sáng tạo.

Phòng Fablab (hệ thống phòng thí nghiệm chế tạo) để nghiên cứu và thực hành.

Vừa qua, Tổng công ty đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bình Dương (Becamex IDC) đã đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bàu Bàng 1000 hecta, Khu công nghiệp Bàu Bàng Mở Rộng 1000 hecta và Khu công nghiệp Cây Trường (700 hecta). Đây là một cú “hích” mạnh để đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng đất mới này. Ông Nguyễn Thanh Khiêm, Bí thư huyện ủy huyện Bàu Bàng nói rằng: “Những con đường rộng thoáng mới mở, những khu công nghiệp đang được xây dựng, sẽ tạo sự hấp dẫn của Bàu Bàng đối với các nhà đầu tư. Bàu Bàng phấn đấu phát triển cân bằng giữa các ngành công nghiệp thâm dụng lao động lớn với các ngành công nghiệp xanh, có giá trị gia tăng cao khi được quy hoạch khoa học”.

KCNKHCN được xây dựng tại huyện Bàu Bàng là một phần trong chiến lược phát triển chung của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang đầu tư phát triển hệ thống giao thông đến Bàu Bàng. Mục đích là để kết nối vận chuyển hàng hóa thuận lợi giữa địa phương với các cảng biển, cảng hàng không quốc tế trong khu vực sau này. Đó cũng là bản lề để Bàu Bàng phát triển thương mại dịch vụ, tài chính-ngân hàng, giao lưu kinh tế quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao và tạo điều kiện cho giáo dục, y tế, văn hóa xã hội phát triển theo.

Điểm sáng của thành phố thông minh

Dự án KCNKHCN ở huyện Bàu Bàng, là một trong những dự án trọng điểm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Đây là khu nhằm thu hút các tập đoàn và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp giai đoạn hiện nay. Nó cũng sẽ trở thành một trung tâm đào tạo thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Tại KCNKHCN sẽ xây dựng một khu vực đô thị có môi trường sinh sống tốt cho các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học, với cộng đồng khoa học năng động, sáng tạo.

Các sinh viên đang thực hành ở khoa kỹ thuật, thuộc Đại học quốc tế miền Đông.

Các cụm chiến lược được quy hoạch tại KCNKHCN bao gồm Cụm Đổi mới Sáng tạo, Cụm Sản xuất Tiên tiến, Cụm Giải trí Trải nghiệm, và Cụm Đô thị Tri thức. Trong đó, Cụm Đổi mới Sáng tạo là hạt nhân cốt lõi tạo nên sự khác biệt của KCNKHCN, nơi các nhà khoa học được khuyến khích chia sẻ những ý tưởng độc đáo, thử nghiệm các sản phẩm và phát minh mới trong môi trường thực tế. Khu viện trường là nơi diễn ra hoạt động giáo dục đào tạo đẳng cấp, nuôi dưỡng các tài năng, và cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất. Khu khoa học công nghệ sẽ tập trung các viện nghiên cứu với cơ sở vật chất hiện đại, tạo điều kiện cho các tài năng kiến tạo các giải pháp, sản phẩm, và công nghệ mới trong các lĩnh vực chiến lược. Hoạt động khởi nghiệp sôi động tại không gian chia sẻ sẽ tạo nên nền tảng thúc đẩy hoạt động phát triển và thương mại hóa công nghệ. 

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, KCNKHCN ở huyện Bàu Bàng là điểm sáng của Thành phố thông minh Bình Dương. Nó sẽ tạo ra sự đột phá và sức bật mới cho “Vùng đổi mới sáng tạo”, cũng như sự phát triển chung của địa phương khi thu hút được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà và nguồn lực, “chất xám” từ bên ngoài.

Hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo

Dự án KCNCNKH ra đời với mong muốn tỉnh Bình Dương nói chung và huyện Bàu Bàng nói riêng sẽ có những bước phát triển nhanh về kinh tế, lấy khoa học công nghệ làm nền tảng. Khi có KHCN, sẽ chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại ở Bình Dương thành các khu công nghiệp thông minh, giúp địa phương có một nền tảng vững chắc về khoa học, tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên khoa học kỹ thuật, đáp ứng tốt với yêu cầu sản xuất-kinh doanh trong kỷ nguyên của công nghiệp 4.0.

Khi hoàn thiện KCNKHCN, tỉnh Bình Dương sẽ có những viện trường ở bậc học cao, các bệnh viện theo chuẩn quốc tế để phục vụ cho người dân địa phương cũng như các chuyên gia, nhân lực đến làm việc. Ngoài ra, các dịch vụ, tiện ích xã hội đi kèm cũng được đầu tư đồng bộ trong vùng. Hơn thế nữa, huyện Bàu Bàng có thể tận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang hoạt động tại Thành phố mới Bình Dương để từng bước xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo cho mình.

Các tri thức trẻ đang nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo khởi nghiệp trong hệ thống phòng Fablab.

Theo các chuyên gia kinh tế, Dự án KCNKHCN của tỉnh Bình Dương  sẽ là một cú hích lớn, giúp hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo tại Bàu Bàng nói riêng và Bình Dương nói chung. Ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng Vùng Noord Brabant (Hà Lan), thành viên Ban điều hành Thành phố thông minh Bình Dương cho rằng, mô hình KCNKHCN là một phân khúc cao hơn, tập trung phát triển ngành công nghiệp chiến lược theo cụm bởi công nghệ cao. Nó giúp cho Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.

Với những bước đi vững chắc và đúng đắn, tin tưởng rằng tỉnh Bình Dương sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, nhất là thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Đó cũng là mong muốn, là khát vọng không chỉ của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Bình Dương, mà còn là sự mong mỏi của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên cả nước.

Bài, ảnh: THANH HƯNG