Rạng sáng 22-4, chiều và đêm 23-4, ngày 24 và 25-4, tại huyện Nậm Pồ, liên tiếp xảy ra nhiều trận mưa đá kèm theo dông lốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, hoa màu của nhân dân. Theo số liệu thống kê nhanh từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, đến thời điểm hiện tại đã có 398 căn nhà bị vỡ thủng, tốc mái và sập đổ hoàn toàn do dông lốc và mưa đá, tập trung ở các xã: Si Pa Phìn, Nà Hỳ, Nà Khoa, Na Cô Sa, Nà Bủng, Chà Cang, Pa Tần… Trong đó, các xã Nà Khoa, Si Pa Phìn, Nà Hỳ bị thiệt hại nhiều nhất. Riêng xã Nà Khoa bị thiệt hại 224 căn nhà,  Si Pa Phìn 34 căn nhà… Có 3 xe gắn máy bị lũ cuốn trôi, nhiều trường học, trạm y tế bị tốc mái, hàng chục héc-ta ngô, lạc, đậu tương và lúa xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng bị hư hỏng nặng.

Chúng tôi đến nhà anh Giàng A Sử, người dân ở bản Phi Lĩnh, xã Nà Hỳ. Chỉ lên mái nhà bị tốc vỡ, anh Sử chưa hết thảng thốt: “Vào tối và đêm 23-4, mưa đá và gió to tốc hết mái nhà, làm hỏng cả xà và mái phi-brô xi-măng. Cả nhà tôi cuống cuồng tìm nơi trú ẩn”.

Nhiều ruộng hoa màu dập nát vì mưa đá. 

Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng do mưa đá. 

Theo ông Mùa A Giàng, Phó chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, ngay sau khi mưa đá xảy ra, chính quyền đã tới các bản xác minh tình hình, huy động lực lượng để sửa chữa những nhà bị thiệt hại; UBND huyện đã có công điện chỉ đạo chính quyền các địa phương, kiểm tra thông tin thiệt hại ở từng bản, đến từng hộ dân, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ giúp người dân kịp thời khắc phục thiệt hại.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Chúng tôi đã thường xuyên tập huấn, phổ biến cho nhân dân cách phòng, chống nhưng một số bà con còn đơn giản trong cách phòng, chống... Tuy nhiên, rất may là không có thiệt hại về người xảy ra do mưa đá. Ban chỉ huy tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của huyện chỉ đạo UBND các xã khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ, huy động lực lượng quân sự, biên phòng, đoàn thanh niên tập trung hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đào Đức Thụy, Phó giám đốc phụ trách Đài Khí tượng-Thủy văn tỉnh Điện Biên, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến mưa đá, gió lốc lớn trong các ngày từ 22 đến 25-4 là do ảnh hưởng của rãnh áp chóp bị nén qua vùng núi phía Bắc kết hợp với rãnh gió núi trên cao. Đài Khí tượng-Thủy văn tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều bản tin như bản tin hạn hán, bản tin cảnh báo và bản tin 10 ngày từ ngày 21 đến ngày 30-4, dự báo toàn tỉnh Điện Biên từ ngày 21 đến 23-4 mây thay đổi, có 1-2 ngày mưa, mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông đề phòng có gió lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 28 đến 30-4, thời tiết tiếp tục diễn biến như giai đoạn từ 21 đến 23-4. Như vậy, sắp tới có thể sẽ diễn ra một đợt thời tiết có mưa đá.

Như vậy, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có thể xảy ra mưa đá bất thường. Công tác phòng, chống cần chặt chẽ hơn, tránh biểu hiện chủ quan, đơn giản. Ông Đào Đức Thụy nhấn mạnh: "Trong thời điểm giao mùa, hiện tượng dông, tố, lốc, mưa đá và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với mức độ dày lên, nhiều lên. Không chỉ huyện Nậm Pồ, mà toàn tỉnh Điện Biên đều đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan này. Chúng tôi liên tục cập nhật các diễn biến của thời tiết và mong người dân chú ý quan tâm theo dõi, đề cao cảnh giác để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do dông, lốc và mưa đá gây ra”.

Ông Nguyễn Văn Định, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên đưa ra các giải pháp: “Người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn khó khăn, nhà cửa chủ yếu là nhà tạm, lợp bằng mái phi-brô xi-măng nên khi có mưa đá, dông, lốc thường thiệt hại nặng nề. Gió lốc, mưa đá năm nay diễn ra kéo dài với cường độ lớn hơn so với mọi năm, số lượng và khối lượng viên mưa đá dày, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và mùa màng. Vì vậy, người dân cần tránh tâm lý chủ quan, đơn giản, thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để sớm biết có khả năng xảy ra mưa đá để chuẩn bị các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi; hạn chế tác hại của mưa đá đối với vật dụng, đồ dùng, máy móc. Với cây trồng hoặc hoa màu dễ bị nát dập, người dân phải che chắn, dựng giàn che dọc luống để giảm tác động của hạt mưa đá khi va chạm. Đồng thời, phải gia cố lại mái nhà, chằng chống cẩn thận. Ở những chỗ trọng yếu nên sử dụng các vật liệu có thể chống chịu với va đập để giảm thiệt hại”.

Bài và ảnh: TRẦN THÚY - CHẢO MẮN ON