Băn khoăn với các tiêu chí

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn trăn trở đi tìm lời giải cho “bài toán” khi nông nghiệp-trụ đỡ của nền kinh tế, có truyền thống sản xuất lâu đời nhưng hiệu quả, đời sống của người nông dân vẫn thấp. Chính vì vậy, Thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng NNCNC, nông nghiệp thông minh. Để góp phần hiện thực hóa điều này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nâng gói hỗ trợ cho đầu tư NNCNC từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Chủ trương này mang lại hy vọng cho người nông dân và doanh nghiệp.

Thực tế gói tín dụng 100.000 tỷ đồng được đưa ra từ tháng 3-2017, tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc khiến việc giải ngân dường như “giẫm chân tại chỗ”. Để tháo gỡ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: "Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí để xác định dự án ứng dụng NNCNC và dự án nông nghiệp sạch. Bộ tiêu chí này có thể coi là "cánh cửa" để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói 100.000 tỷ đồng. Trong đó, tiêu chí nêu rõ với các dự án muốn vay gói tín dụng trên, phải thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập; các dự án của doanh nghiệp đã được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

leftcenterrightdel
Dây chuyền sản xuất trứng gà công nghệ cao tại Nhà máy ĐTK Phú Thọ. 

Tiêu chí đã có song việc thực hiện khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi tiếp cận dòng vốn này. Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương cho rằng, 100.000 tỷ đồng là gói vay thương mại, nên thủ tục vay thế nào mới là vấn đề. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên, Nam Định) chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, bày tỏ: "Doanh nghiệp của chúng tôi đã đầu tư cả chục tỷ đồng vào hệ thống dây chuyền, có đủ các loại giấy chứng nhận của cơ quan chức năng nhưng vẫn đang thắc mắc rằng có phải chỉ cần vào khu công nghệ cao là được tiêu chuẩn công nghệ cao hay không? Vào khu NNCNC thì hoạt động của công ty được kiểm soát như thế nào để chứng minh đang hoạt động công nghệ cao?

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Tại hội nghị về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển NNCNC, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ những bất cập. Đó là việc chính sách tín dụng hiện nay vẫn chưa rõ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì cho vay lĩnh vực nào, khâu nào và tỷ lệ của các loại kỳ hạn trong gói tín dụng này được xác định ra sao? “Cho vay theo chuỗi hay cho vay theo từng công đoạn của sản xuất NNCNC? Những năm qua, cả nước chỉ thu hút được hơn 20 doanh nghiệp vào lĩnh vực này và số vốn cũng rất khiêm tốn nên công việc quan trọng là “tìm đúng người có nhu cầu vay”-Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, vướng mắc lớn hiện nay khiến doanh nghiệp và ngân hàng chưa gặp được nhau trong gói 100.000 tỷ đồng là việc phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… làm cơ sở để thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn. “Đây là điểm nghẽn rất lớn, các doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không có hướng dẫn thì không thể đăng ký tài sản, không thể thế chấp vay vốn”-Thống đốc cho biết. Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho rằng, quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún; việc cấp giấy chứng nhận NNCNC còn chậm và các ngân hàng phải tự mày mò các quy định liên quan; giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước trong khi khoản vay giá trị lớn; pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính…) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao…

Phó tổng giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái bày tỏ lo ngại: “Lãi suất thấp nhưng rủi ro thì lớn”. Theo bà Thái, cho vay NNCNC thì khách hàng phải dùng tài sản thế chấp rõ ràng, quy mô lớn để tránh rủi ro. Còn nếu tài sản nhỏ lẻ thì khó cho vay vì liên quan tới cá nhân người quyết định cho vay và các đánh giá của cơ quan tố tụng, thi hành án.

Đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, gói cho vay 100.000 tỷ đồng mới chỉ dừng ở cam kết, lời hứa. Để triển khai hiệu quả cần phải có cơ chế chính sách, đối tượng vay thật rõ ràng, chi tiết và gắn với trách nhiệm cụ thể. Đồng thời phải bảo đảm nguồn vốn được đưa vào đúng chỗ, đó là ưu tiên cho công nghệ ứng dụng, không phải công nghệ trình diễn. Ngoài ra, phải có đánh giá, dự báo cụ thể về thị trường sản phẩm NNCNC để ngành ngân hàng có hướng triển khai tín dụng. Vì đây là lĩnh vực mới, rất rủi ro với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: NGUYỄN CƯỜNG