Nhớ lại những ngày đầu gian nan, chàng cử nhân Lương Văn Trường chia sẻ: "Năm 2018, tôi bắt đầu triển khai dự án. Vừa xuống giống xong, trời mưa tầm tã 3 tuần, cả cánh đồng ngập mênh mông nước. Toàn bộ lượng lúa giống gieo bị chết trắng. Tôi đã ngâm giống liên tục hết lô này đến lô khác chờ thời tiết thuận lợi để gieo trồng. Giống tươi không bảo quản được lâu, ngâm ủ xong chỉ bảo quản được 2 đến 3 ngày là giống hỏng, phải đổ bỏ. Cũng từ đây, sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn của tôi ra đời”.
Gần một năm cùng các cộng sự thử nghiệm với nhiều công thức khác nhau, quy trình sản xuất hạt giống lúa nảy mầm sẵn của Trường và những người trẻ được triển khai khảo nghiệm ngay tại “Nông trại cờ Đỏ”. Kết quả là lúa phát triển bình thường so với đối chứng, sản lượng tương đương, khả năng chống chịu sâu bệnh như nhau.
Các quy trình và sản phẩm phụ trợ cho chính quy trình, như: Hạt gạo mầm tươi dinh dưỡng, kỹ thuật ngâm ủ giống cải tiến tiết kiệm nước, giúp giải quyết vấn đề ngâm ủ giống quy mô lớn. Cũng từ quy trình này, anh cùng cộng sự nghiên cứu để áp dụng thành công trên các hạt giống khác.
 |
Lãnh đạo Trung ương Đoàn trao giải nhất tặng Lương Văn Trường với dự án “Nông trại cờ Đỏ”. |
Sản phẩm của Lương Văn Trường giúp người nông dân nhiều lợi ích: Không cần ngâm ủ giống, triển khai nhanh mùa vụ, tránh được thời tiết không thuận lợi, tiết kiệm 10.000 đồng/kg giống. Giá trị đề tài đã tiết kiệm được hàng triệu công lao động mỗi vụ sản xuất gieo trồng; mầm cây chất lượng, không bị gãy nhờ áp dụng máy móc.
Thuyết trình dự án với ban giám khảo, Lương Văn Trường giới thiệu: Sử dụng thành quả máy ủ hạt nảy mầm đưa đến giá trị sản phẩm tăng từ 10 đến 30%, chi phí sản xuất rất thấp, hạt giống tốt hơn, bán được nhiều hàng hơn, tiết kiệm phí tiêu hủy hàng tồn kho, kéo dài tuổi thọ sản phẩm 6-12 tháng và thích hợp điều kiện sẵn có của đơn vị.
Qua 3 năm triển khai dự án với nhiều thay đổi tích cực, từ lúc một mình vật lộn với 7ha, hiện nhóm của Trường có 7 thành viên, 20 hộ liên kết, quy mô sản xuất 12ha. Sản phẩm của dự án đã được áp dụng ở 4 huyện của tỉnh Nam Định, đang được các tập đoàn sản xuất lúa giống của Việt Nam liên hệ hợp tác sản xuất.
Nói về hướng phát triển dự án, Lương Văn Trường tâm huyết: Trong thời gian tới, “Nông trại cờ Đỏ” đặt mục tiêu xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cải tiến, đưa khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống thoái hóa đất sản xuất và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sản xuất, phấn đấu xuất khẩu gạo mầm tươi và công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn ra thị trường nước ngoài, khẳng định giá trị nông sản và công nghệ nông nghiệp của Việt Nam trên thế giới.
Bài và ảnh: BẢO ANH