Doanh thu vượt kế hoạch đề ra

Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, năm 2017, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 16.476 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch năm 2017, tăng 30% so với thực hiện 2016; tổng lợi nhuận đạt hơn 299 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch, tăng 72% so với năm 2016; nộp ngân sách nhà nước 510 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện năm 2016; năng suất lao động đạt trên 749 triệu đồng/người/năm, tăng 22% so với 2016; thu nhập bình quân đầu người toàn tổng công ty tăng 10,4% so với 2016.

Khách hàng giao dịch tại điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Năm 2017 là năm đột phá trong công tác chất lượng của Tổng công ty. Mặc dù sản lượng đạt ở mức khá cao: 273 triệu bưu gửi, tăng 30% so với năm 2016, bình quân 4,3 triệu bưu gửi/ngày, tuy nhiên việc lưu thoát hàng hóa luôn được diễn ra thông suốt, an toàn. Cùng với việc điều hành linh hoạt, xuyên suốt từ Tổng công ty tới các đơn vị, năng lực lưu thoát bưu gửi trên toàn mạng lưới được tăng cường đáng kể với gần 3000 xe lồng lưới, 60 băng tải, 400 xe ô tô. Bên cạnh đó, khâu phát có bước tiến vượt bậc, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhập báo phát bằng điện thoại thông minh (smartphone), đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác đến khách hàng.

Lĩnh vực kinh doanh và vận chuyển hàng không trong năm có sự chuyển mình đáng kể. Bưu điện Việt Nam đã thực hiện trao đổi chuyến thư với 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tổng số 215 hướng chuyển. Ngoài hợp đồng ký kết với 11 hãng hàng không và 4 forwarder (công ty giao nhận quốc tế) thỏa thuận hợp tác toàn toàn diện cùng Vietnam Airlines đã giúp Bưu điện Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường tại Việt Nam.

Triển khai hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích

Một trong những điểm đáng chú ý của Bưu điện Việt Nam trong năm 2017 là việc triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Sau 1 năm triển khai, dịch vụ đã được đông đảo người dân, tổ chức và doanh nghiệp đón nhận và sử dụng. Đến nay, 100% các Bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục các thủ tục hành chính thực hiện qua bưu chính công ích. 61 tỉnh, thành phố tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện trong triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hết năm 2017, có hơn 8 triệu lượt người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.

Năm 2017, Bưu điện Việt Nam đã triển khai chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội trên toàn quốc; chi trả trợ cấp xã hội tại 58 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành phố, với sự ủng hộ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chính quyền địa phương đã giao thêm nhiệm vụ chi trả trợ cấp ưu đãi Người có công cho Bưu điện Việt Nam. Đáng chú ý, Tổng công ty đã nghiên cứu cải tiến dịch vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai thí điểm tại Thanh Trì (Hà Nội) và Bình Giang (Hải Dương) từ tháng 5-2017. Ngày 15-11-2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đồng ý cho phép mở rộng công tác cải tiến từ năm 2018.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Phạm Anh Tuấn.

Bước vào năm 2018, Bưu điện Việt Nam xác định tiếp tục nỗ lực phát triển kinh doanh, quyết tâm thực hiện mục tiêu về đích sớm đối với việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2020. Theo đó, năm 2018, Bưu điện Việt Nam quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức doanh thu 22.023 tỷ đồng, tăng gần 33,7% so với năm 2017; lợi nhuận hợp nhất đạt trên 395 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - Bưu điện Việt Nam doanh thu đạt trên 20.360 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2017; Lợi nhuận đạt 330 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm trước.

Bên cạnh việc khẩn trương triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại Tổng công ty theo quyết định số 1586/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông; đổi mới và chuẩn hóa tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ trong toàn mạng lưới, Tổng công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh doanh theo các nhóm dịch vụ trụ cột (bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông).

Đặc biệt, nhằm xây dựng một nền hành chính phục vụ, văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, năm 2018, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, gia tăng sản lượng, doanh thu dịch vụ, đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ, hướng tới mục tiêu Bưu điện là cánh tay nối dài, là bộ mặt, đại diện của cơ quan hành chính đối với việc phục vụ đông đảo người dân.

Ngoài ra Tổng công ty sẽ mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ, hướng tới cung cấp dịch vụ tại các Bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX), nhằm phủ rộng địa bàn hoạt động, tạo thuận lợi tối đa cho mọi người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính. Năm 2018, phấn đấu 100% các Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX) được kết nối trực tuyến.

* Tại hội nghị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức trao Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thay cho ông Đỗ Ngọc Bình về nghỉ theo chế độ.

Trong buổi lễ trao quyết định, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định sẽ cùng tập thể lãnh đạo, người lao động toàn Tổng công ty đoàn kết một lòng, tiếp tục đưa Bưu điện Việt Nam phát triển lên tầm cao mới theo đúng tinh thần: Bưu điện Việt Nam là cánh tay nối dài, là một phần của chính quyền phục vụ khách hàng và người dân, xứng đáng với truyền thống 73 năm hào hùng của ngành Bưu điện mà Tổng công ty được kế thừa. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng kêu gọi hơn 41 nghìn người Bưu điện ngay từ những ngày đầu tháng đầu năm 2018 tập trung triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu tại đơn vị, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Tổng công ty đặt ra.

Bài, ảnh: VĂN PHONG