Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế và thực tế đã hình thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu. Tây Nguyên cũng đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất điện, khai khoáng, nghề rừng, mang lại nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế của cả nước.

Trao đổi về thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 vừa qua, đồng chí Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: “Kết quả nổi bật trong năm 2016 của cả vùng Tây Nguyên là giữ được sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,47%, cao hơn năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,56 triệu đồng, tăng 8,57% so với năm 2015. Huy động vốn đầu tư phát triển xã hội hơn 78.796 tỷ đồng, tăng 7,25% so với năm 2015. Thu ngân sách toàn vùng đạt 18.151 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD. Toàn vùng có 2.886 doanh nghiệp thành lập mới với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, toàn vùng Tây Nguyên đào tạo nghề cho 78.000 người, giải quyết việc làm cho 113.000 lao động; giảm được hơn 2,1% số hộ nghèo và 2,4% số hộ cận nghèo.     

leftcenterrightdel
Thành phố Buôn Ma Thuột - đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. 

Đặc biệt, các chương trình, dự án, chính sách đặc thù chăm lo đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đã đầu tư hơn 154 tỷ đồng khai hoang, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 6.670 hộ; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho hơn 57.000 hộ và chuyển đổi nghề cho 16.000 hộ nghèo, tạo điều kiện cho bà con vươn lên ổn định cuộc sống. Cũng trong năm 2016, Chương trình Xây dựng nông thôn mới được 5 tỉnh Tây Nguyên huy động các nguồn lực triển khai có hiệu quả. Đến nay, toàn vùng có 1 huyện và hơn 100 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; trong đó, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu toàn vùng với 45 xã và huyện Đơn Dương cán đích xây dựng nông thôn mới. Kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ mang lại khởi sắc cho vùng nông thôn Tây Nguyên mà thông qua chương trình này, toàn vùng đã hình thành được 1.044 mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Năm 2016, Đắc Lắc thực hiện đạt và vượt 10 chỉ tiêu kinh tế-xã hội so với kế hoạch. Trong đó, một số chỉ tiêu chính như tăng trưởng kinh tế đạt 7%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 44,5 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,87% so với năm 2015. Nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự đổi thay”.

Tại tỉnh Đắc Nông, đồng chí Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh Đắc Nông vẫn đạt mức khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,08%; thu ngân sách đạt 1.725 tỷ đồng (vượt 7% dự toán HĐND giao); số hộ dân được sử dụng điện đạt 96%; có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế đến nay tỉnh Đắc Nông có 5 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới); tình hình quốc phòng-an ninh được củng cố vững chắc, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong 16 nhóm chỉ tiêu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Mặc dù cơ bản giữ vững được sự ổn định về an ninh chính trị và kinh tế-xã hội có bước tăng trưởng khá, nhưng để phát triển nhanh và bền vững, Tây Nguyên đang gặp nhiều thách thức. So với cả nước, Tây Nguyên vẫn là vùng chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao (hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng còn 15%, và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,5%); nguồn thu ngân sách không đủ chi. Chỉ tính trong năm 2016 vừa qua, toàn vùng Tây Nguyên có tổng thu ngân sách 18.151 tỷ đồng, trong khi tổng chi đầu tư phát triển toàn xã hội đạt con số 78.796 tỷ đồng, cao gấp hơn 4,3 lần. Vì vậy, trong đầu tư phát triển, Tây Nguyên vẫn phải trông chờ chủ yếu vào sự hỗ trợ của Trung ương. Môi trường đầu tư, kinh doanh vùng Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp; hoạt động xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi chậm phát triển; vấn đề quản lý đất đai còn lỏng lẻo, phức tạp; nguồn lực đầu tư cho thực hiện các chính sách dân tộc còn phân tán, dẫn tới hiệu quả thấp.

Để Tây Nguyên ổn định và phát triển trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục chủ động khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ; đồng thời vùng cũng cần được tạo điều kiện để có một số chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH