QĐND - Hàng loạt những vụ việc sai phạm của doanh nghiệp Nhà nước được phát hiện trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Chính vì lẽ đó, phiên họp chiều 17-4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nóng lên khi các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
 |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. (Ảnh: Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ).
|
"Lỗ hổng" pháp lý dẫn tới "lỗ hổng" trách nhiệm
Hai năm trước, khi xảy ra vụ việc thất thoát vốn Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), phát biểu trước Quốc hội, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch đã cảnh báo rằng: Đang có "lỗ hổng" pháp lý sau khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hết hiệu lực. "Lỗ hổng" pháp lý dẫn tới "lỗ hổng" trách nhiệm. Sau Vinashin, hàng loạt các vụ việc lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã được phát hiện, đòi hỏi cấp bách phải thay đổi cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn quan trọng này.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17-4 nêu rõ: Khi Luật DNNN hết hiệu lực, hoạt động DNNN thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Việc quản lý và giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Các văn bản này đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của nhà nước, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012. Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi. Tuy nhiên, việc đầu tư vốn nhà nước vào tổ chức kinh tế thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa được triển khai đầy đủ do hạn chế về tính khả thi. Việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm. Vì vậy, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN.
Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu trình bày nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Đồng thời, việc ban hành luật này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tránh lãng phí, thất thoát và phục vụ cho quá trình tái cơ cấu DNNN.
 |
Thiết bị của doanh nghiệp Nhà nước "nằm đợi" công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
|
Giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tập trung điều chỉnh việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bao gồm cả việc doanh nghiệp này sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp), quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác thông qua người đại diện. Đối với hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, để tránh việc đầu tư dàn trải, đồng thời để phù hợp với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án Luật đã quy định nguyên tắc đầu tư vốn, tài sản, quyền sử dụng đất ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của dự án Kuật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.
Dự án Luật quy định nguyên tắc quản lý nợ phải thu, nợ phải trả theo hướng doanh nghiệp phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, nợ phải trả; phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ; mở sổ theo dõi theo từng đối tượng... xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan đối với nợ phải thu không có khả năng thu hồi, nợ phải thu khó đòi; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết; các khoản nợ phải trả mà không phải trả, không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.
Nhằm mục tiêu giám sát chặt chẽ, phòng và chống việc thất thoát vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, dự án Luật quy định nội dung giám sát và các hoạt động giám sát của Quốc hội, của đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp. Trong đó giám sát của Quốc hội đối với DNNN là một nội dung mới được đưa vào dự án Luật nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc giám sát đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và giám sát doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Nhằm mục tiêu minh bạch, thuận lợi để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án Luật đã quy định việc lập và gửi báo cáo tài chính, báo cáo giám sát và công khai các báo cáo của doanh nghiệp, các báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp. Dự án Luật giao Chính phủ quy định việc công khai thông tin và công bố kết quả giám sát.
Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp quân đội
Thực tế hoạt động của doanh nghiệp quân đội trong thời gian qua đã khẳng định vị thế của loại hình doanh nghiệp này trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đại đa số các doanh nghiệp quân đội đều bảo toàn và phát triển được nguồn vốn, giữ gìn được tiềm lực quốc phòng. Khối doanh nghiệp quân đội đã và đang trở thành điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp quân đội có lợi nhuận khá cao như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam..., đóng góp ngày càng nhiều trong phần thu của ngân sách Nhà nước. Một số doanh nghiệp quân đội cũng đã đầu tư các dây chuyền sản xuất lưỡng dụng: Sản xuất hàng kinh tế trong thời bình và sản xuất hàng quốc phòng nếu chiến tranh xảy ra.
Chính vì lý do trên, trong phần thảo luận về vấn đề đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, đại đa số các đại biểu đều nhất trí về nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để thực hiện điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn, phục vụ quốc phòng, an ninh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực, trong đó có các dự án trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án thuộc ngành, lĩnh vực độc quyền Nhà nước; ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội; ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn; địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Vốn nhà nước cũng có thể được đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp chưa được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ. Hoặc đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn; đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phục vụ an ninh quốc phòng và các dịch vụ công.
Dự thảo Luật đã có những quy định về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn đề nghị, dự án Luật cần quy định rõ chủ sở hữu là ai? Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào? Đồng thời, cần bổ sung các quy định về chế tài xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm tăng tính răn đe, hạn chế tình trạng khi xảy ra sai phạm không xác định được người chịu trách nhiệm, gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước như trong thời gian qua.
Chừng nào việc quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mới chỉ dừng ở cấp nghị định, thì việc quản lý, giám sát hoạt động đầu tư, sử dụng vốn tại doanh nghiệp khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Bài học đầu tư ngoài ngành tràn lan là minh chứng rõ nét nhất.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
|
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ