QĐND - Thầy giáo dạy chúng tôi thời đại học tuy đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng vẫn quan tâm đến các vấn đề thời sự, chính trị, đến sự phát triển của đất nước. Mới đây gặp tôi, thầy trăn trở: Dù đã được dư luận nói nhiều, bàn nhiều, phê bình cũng nhiều, nhưng ở nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước vẫn duy trì việc bổ nhiệm cán bộ quản lý chủ yếu dựa theo bằng cấp, trình độ chuyên môn. Điều này tuy không sai, vì những người có chuyên môn giỏi thường là những người có trình độ, năng lực. Người làm công tác quản lý cũng cần có trình độ chuyên môn. Thế nhưng nếu chỉ bổ nhiệm cán bộ quản lý dựa trên tiêu chí bằng cấp và trình độ chuyên môn thì có khi “lợi bất cập hại”.

Thầy tôi nêu ví dụ cụ thể: Ở viện nghiên cứu nơi thầy công tác trước đây, có một cán bộ rất giỏi chuyên môn. Do có học vị tiến sĩ khoa học, “vượt qua” nhiều ứng cử viên khác, anh được cấp trên bổ nhiệm trưởng phòng. Từ khi anh cán bộ này “chia tay” nhiệm vụ chuyên môn để sang làm quản lý, viện “mất” đi một nhà khoa học với những công trình nghiên cứu có giá trị. Điều đáng nói, dưới sự quản lý của anh, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của phòng có phần giảm so với trước, vì tuy rất giỏi chuyên môn nhưng anh lại không giỏi quản lý. Như vậy, việc “bổ nhiệm nhầm” vừa không mang lại hiệu quả trong quản lý, vừa gây lãng phí chất xám trong lĩnh vực chuyên môn. Đáng tiếc là tình trạng này khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực đang rất cần những chuyên gia, kỹ sư giỏi, những nhà khoa học đầu ngành như khoa học kỹ thuật, y tế…

Việc “bổ nhiệm nhầm” là hậu quả của sự lẫn lộn giữa quản lý và chuyên môn. Quản lý và làm chuyên môn là hai công việc, hai phạm trù có những tiêu chí, yêu cầu khác nhau, thậm chí nhiều điểm khác biệt. Với người làm quản lý, không nhất thiết phải có học hàm, học vị, trình độ chuyên môn cao, nhưng phải có tầm nhìn chiến lược, tổng thể về toàn bộ lĩnh vực mình phụ trách; giỏi quản lý, điều hành; biết quy tụ nhân tài, biết phát huy sức mạnh tập thể; gợi mở ý tưởng sáng tạo và chỉ đạo thực hiện thành công những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp...

Tuy nhiên, để người giỏi chuyên môn yên tâm với nhiệm vụ, cần phải có cơ chế đãi ngộ hợp lý. Về lâu dài, cần có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể phân biệt giữa người làm chuyên môn và người làm quản lý để tránh "bổ nhiệm nhầm".

PHƯƠNG HIỀN