Tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Đó là thông tin được đưa ra trong hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Đắk Lắk vào chiều 20-10. Hội nghị do đồng chí Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì.
Theo Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, Tây Nguyên đã và đang trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn (cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu). Đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Tây Nguyên, luôn có sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành ngân hàng trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng. Từ đó tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, góp phần thực hiện thành công các chủ trương phát triển kinh tế-xã hội gắn với các ngành chủ lực, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực cũng còn những hạn chế, khó khăn; tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, giảm nghèo chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phản ánh gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
 |
Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: MINH PHƯƠNG |
Đề xuất vay vốn dựa vào phương án sản xuất, kinh doanh
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê) cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho những hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp không đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. Do vậy, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ. Từ đó điều tiết hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ tốt cho người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Để tạo thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên, bà Trần Thị Lan Anh kiến nghị, ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu, trong đó có cà phê. Đồng thời cung cấp một gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho các doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, hạn mức tín dụng và chính sách tài sản bảo đảm để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Xem xét việc triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào phương án sản xuất, kinh doanh gồm hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hóa để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp, tạo điều kiện chủ động về vốn.
Là ngân hàng có dư nợ lớn ở vùng Tây Nguyên, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, tính đến ngày 30-9, dư nợ tín dụng của BIDV tại khu vực Tây Nguyên là 90.560 tỷ đồng, chiếm thị phần khoảng 18,7% khu vực. Trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng của BIDV tại khu vực Tây Nguyên là 9,8%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trên địa bàn. Bên cạnh đó, BIDV đã chủ động xây dựng và triển khai chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế khu vực, đồng thời giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. 9 tháng năm 2023, BIDV đã có 5 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,2 đến 2%/năm; tại khu vực Tây Nguyên, BIDV đã giảm lãi suất hỗ trợ cho hơn 23.800 khách hàng với tổng số tiền lãi đã giảm là gần 168 tỷ đồng.
Để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, người dân, ông Trần Phương cho rằng cần thực hiện mạnh các biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thị trường thế giới, tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm nghiệp thế mạnh. Bám sát các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại để phục hồi, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhằm góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tây Nguyên, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai nhiều giải pháp: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây...); tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu...
NGUYỄN ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.