Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển nhanh và bền vững, các startup nên tập trung đầu tư vào sản phẩm công nghệ là thế mạnh của họ. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Phạm Nam Long, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Abivin-startup cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực: Sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics, vận tải container.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Nam Long. 

Phóng viên (PV): Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của các startup Việt, thưa ông?

Ông Phạm Nam Long: Đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới các DN, đặc biệt là các startup với quy mô chủ yếu là DN nhỏ. Tác hại chính của đại dịch là gây gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng dây chuyền từ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến các ngành dịch vụ như: Ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Nhiều startup suy giảm đột ngột doanh thu, không đủ vốn, buộc phải cắt giảm lực lượng lao động, thậm chí giải thể. Ngoài ra, đại dịch còn làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển của startup. Do vậy, việc huy động vốn cho các startup trở nên khó khăn, khiến nhiều startup có nguy cơ giải thể sau khi kết thúc dịch nếu không được cứu trợ.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng mang tới cơ hội phát triển cho một số loại hình startup. Các ứng dụng và dịch vụ liên lạc, đặc biệt là những ứng dụng hỗ trợ gọi video tăng đột biến về số lượt tải về và tần suất sử dụng do nhu cầu sử dụng ứng dụng tăng mạnh cho việc họp và học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội.

Đa số các startup này hoạt động trong các lĩnh vực như: Khám bệnh từ xa, giáo dục, ngân hàng, thương mại điện tử, game và streaming...

PV: Theo ông, làm thế nào để hạn chế những tác động xấu của dịch bệnh tới sự phát triển của startup, biến khó khăn thành đòn bẩy để startup bứt phá khi dịch Covid-19 vẫn còn, thậm chí có thể xuất hiện dịch bệnh khác trong tương lai mà chúng ta không lường trước được?

 Ông Phạm Nam Long: Dịch bệnh là nguy cơ lớn và còn có thể kéo dài mà chúng ta không lường trước được. Có 3 cách hạn chế những tác động của dịch bệnh gây ra, đó là: Sử dụng vaccine, hạn chế tiếp xúc trong hoạt động và đẩy mạnh tự động hóa trong quy trình làm việc.

Hiện nay, ngoài tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch, tiêm vaccine đầy đủ, chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc trong quan hệ công việc hằng ngày bằng cách thay đổi từ trực tiếp (offline) sang gián tiếp-trực tuyến (online). Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tự động hóa bằng cách sử dụng máy móc, phương tiện thay thế con người.

Phương pháp này vừa giúp DN hạn chế tiếp xúc, vừa nâng cao năng suất và hiệu quả công việc trong thời gian đại dịch. Đồng thời, phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của cả hệ thống nền kinh tế-xã hội.

leftcenterrightdel
Hoạt động kinh doanh của Abivin. 

PV: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để tồn tại, nhiều startup đã chuyển hướng phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại thay vì tiếp tục phát triển sản phẩm công nghệ là thế mạnh của họ. Nhưng để đi được đường dài, theo ông startup nên phát triển theo hướng nào?

 Ông Phạm Nam Long: Mọi startup đều mong muốn phát triển nhanh và mạnh, tuy nhiên, sự bền vững vẫn luôn là mục tiêu lâu dài mà DN cần hướng đến.

Trong cơ chế thị trường, nếu tập trung cho những vấn đề nóng thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ tràn ngập sản phẩm đáp ứng “nhu cầu nóng” mà các lĩnh vực khác rất cần thiết lại bị bỏ ngỏ, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “đồng hồ quả lắc” với việc thị trường chao đảo hết từ cực này sang cực kia.

Điều này cần sự can thiệp và hỗ trợ nhiều từ phía Nhà nước bằng các chính sách phù hợp, cũng như tạo tâm lý vững tâm cho các nhà đầu tư để các startup vẫn nhận được nguồn vốn phát triển sản phẩm công nghệ là thế mạnh của mình từ trước và từng bước vượt qua khó khăn tạm thời.

PV: Những cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho startup vượt qua đại dịch thời gian qua như: Hỗ trợ tín dụng, chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ tiền điện, tiền nước, cước viễn thông... đã đáp ứng được sự mong đợi của các startup chưa? Ông có đề xuất thêm những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ cho startup trong thời gian tới?

Ông Phạm Nam Long: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ DN. Các startup đánh giá cao những chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, nhiều startup dù đã được hỗ trợ nhưng không thể vượt qua đại dịch thành công. Ngoài những chính sách hiện có trong hỗ trợ vốn, chúng ta nên có thêm những chính sách kết nối các startup cùng ngành để tăng cường thị trường.

Hiện nay, các startup đã có công nghệ, sản phẩm nhưng còn khó khăn trong phát triển thị trường. Lúc này, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng ngành mũi nhọn và đầu tư để phát triển các ngành đó trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, kể cả trong các điều kiện giãn cách, phong tỏa.

Bên cạnh đó, chúng ta có một thị trường lớn nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ, đó là các tập đoàn đa quốc gia-những tập đoàn đến từ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam và sử dụng nhân lực Việt Nam.

Vì thế, tôi mong rằng sẽ có các chính sách quan tâm hơn đến thị trường này, giúp cho các startup có thể kết nối và hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, khuyến khích các tập đoàn này tăng cường sử dụng sản phẩm của startup Việt vừa rẻ, chất lượng không thua kém thay vì chỉ sử dụng sản phẩm ngoại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)