Mối liên kết, phối hợp được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực và mang tính bền vững trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Liên kết, phối hợp - Yêu cầu từ thực tế
Vấn đề liên kết, phối hợp trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội (thực hiện mục tiêu kép) giữa TP Cần Thơ và các tỉnh phía nam sông Hậu (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng) được UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất từ giữa tháng 8-2021, tức khoảng gần một tháng sau khi tất cả các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
 |
Phòng, chống dịch gắn với phát triển kinh tế. Ảnh: Bộ Y tế |
Trong khoảng thời gian này, việc áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ ở các địa phương vùng ĐBSCL đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, từng địa phương có những biện pháp thực hiện không giống nhau, thậm chí có trường hợp còn khác biệt so với quy định của các bộ, ngành Trung ương khiến tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa đến mức báo động. Các khâu thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển nông sản đều bị ùn ứ, người dân và doanh nghiệp gánh chịu nhiều thiệt hại.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vào cuối tháng 8-2021, khi thời điểm thu hoạch lúa hè thu đến hồi cấp bách, UBND tỉnh Bạc Liêu có hẳn văn bản đề nghị UBND hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang hỗ trợ, tạo điều kiện cho người và phương tiện thu hoạch lúa được phép di chuyển vào tỉnh Bạc Liêu do địa phương thiếu nhân lực trầm trọng, máy gặt đập trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Cũng vào thời điểm cuối tháng 8-2021, TP Cần Thơ yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đến từ các địa phương khác phải “đăng ký trước”, các phương tiện trước khi vào địa phận thành phố phải tập kết ở nơi quy định để thực hiện đổi tài xế..., quy định này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, sau đó phải bãi bỏ vì chưa phù hợp với thực tế. Ở những lĩnh vực khác cũng vậy, do vướng các quy định về phòng, chống dịch mà các mặt kinh tế-đời sống của ĐBSCL đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trong việc lưu thông, các địa phương không có sự thống nhất mà mỗi nơi quy định một kiểu sẽ dễ dẫn đến tình trạng chia cắt, chuỗi liên kết dễ bị đứt gãy, nền kinh tế chậm được hồi phục.
Kỳ vọng vào tính bền vững và hiệu quả thiết thực
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, các địa phương đã xác định một số nội dung liên kết, phối hợp trên các lĩnh vực, như: Y tế, nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, lao động-việc làm.
Trong những nội dung trên, đáng chú ý ở lĩnh vực y tế, các địa phương sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở đang điều trị người bệnh Covid-19; chia sẻ nhu cầu về vaccine và thuốc điều trị Covid-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương sắp tới sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn, trao đổi thông tin kịp thời về các trường hợp người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 để truy vết, dập dịch, không để lây lan.
Về lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương sẽ trao đổi, thống nhất biện pháp phòng, chống dịch trong việc tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; thông tin kịp thời cho nhau về cấp độ dịch ở từng địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu hoạch, thu mua nông sản và hoạt động của các cơ sở chế biến, trên cơ sở bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Đối với lĩnh vực thương mại-dịch vụ, kênh thông tin chung về tình hình sản xuất hàng hóa và tình hình xuất, nhập khẩu được xây dựng, cập nhật thường xuyên để các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt, đưa ra giải pháp thích ứng kịp thời.
Đặc biệt ở lĩnh vực giao thông vận tải, các địa phương cho phép vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia hoạt động với tần suất 100% nhằm phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa, cảng biển và phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được hoạt động với tần suất tối đa ở phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Chiều 18-10, đại diện UBND TP Cần Thơ cho biết: Những nội dung liên kết, phối hợp được xây dựng trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương. Việc hợp tác phát triển được xác định mang tính chiến lược, lâu dài, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, bảo đảm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.
Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG