QĐND Online – Trước đây, khi thấy con em mình mắc bệnh ung thư, mọi người đều cho rằng, như vậy là con đã mang “án tử hình”. Nhưng điều đó hiện đã thay đổi. Bước tiến vĩ đại của khoa học kỹ thuật nói chung và y tế nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam đã mang đến sự thay đổi đáng kể: Hơn 70% trẻ em bị ung thư được chữa khỏi. Các em bé này đã gặp gỡ nhau trong chương trình “Tin ở tương lai” được tổ chức bởi Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, vào sáng 28-5, tại Hà Nội.
Chương trình nhằm chuyển một thông điệp sống động tới cộng đồng về những thành quả mà ngành y tế Việt Nam có được trong điều trị ung thư nhi. Chương trình cũng là một lời động viên, khích lệ đối với các gia đình đang có con, em mắc bệnh ung thư rằng, hãy vững tin ở trình độ của các bác sĩ Việt Nam, ở thành tựu y tế Việt Nam, vững tin chiến đấu với căn bệnh. Chương trình cũng nhằm giúp cả cộng đồng hiểu rõ hơn thực tế là ung thư không quá đáng sợ như đa số người dân vẫn nghĩ từ trước tới nay.
Kết quả điều trị một số bệnh ung thư tại Việt Nam
Phát biểu tại chương trình, PGS, TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khoa Huyết học (Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương) bắt đầu điều trị bệnh nhi mắc bạch cầu cấp từ năm 1995. Trải qua 20 năm hoạt động, nhiều bệnh nhi hiện nay đã khỏe mạnh trở về cuộc sống bình thường. Trên thế giới, nhiều bệnh lý ung thư trẻ em hiện nay đã được coi là bệnh chữa được với tỉ lệ sống không bệnh trên 5 năm đạt tới 80-90%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân ngày càng đông, số đơn vị chuyên khoa điều trị ung thư trẻ em trong cả nước còn rất hạn chế, nhiều gia đình chưa tin tưởng vào y học hiện đại nên kết quả điều trị chưa đạt được như mong đợi. Cùng với những tiến bộ vượt bậc của ngành y tế Việt Nam, chuyên ngành ung thư nhi đã đạt được những thành công đáng kể, từng bước phát triển ngang tầm các bệnh viện có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.
 |
Trẻ ung thư được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
Báo cáo về kết quả điều trị ung thư trong những năm qua, bác sĩ Bùi Ngọc Lan, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: Hiện đang có 9 bệnh viện lớn trong cả nước điều trị bệnh nhi và một số bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương, điều trị cho bệnh nhân trong giai đoạn duy trì như: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Nhi Thanh hóa, Bệnh viện Trẻ em Hải phòng. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân mới đến các bệnh viện khám hằng năm chỉ đạt khoảng 50%, trong đó chỉ có khoảng 50-60% bệnh nhân được chẩn đoán tiếp tục điều trị. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhân ung thư mới hằng năm khoảng từ 450 – 500 bệnh nhân. Khoa Ung bướu phối hợp với các chuyên khoa, điều trị tất cả các bệnh lý ung thư trẻ em, trong đó tỉ lệ bệnh nhân bạch cầu cấp chiếm khoảng 50-60% số ca mắc ung thư mới và có khoảng 100 bệnh nhân u não/năm.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lan khẳng định: Điều trị ung thư là quá trình điều trị toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tâm lý, dinh dưỡng cho bệnh nhân. Đặc biệt, điều trị ung thư trẻ em lâu dài, cần sự hỗ trợ của đa chuyên khoa nên tất cả 9 đơn vị điều trị ung thư trẻ em hiện nay đều quá tải. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi mạng lưới điều trị ung thư nhi cần được phát triển cả số lượng và chất lượng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ những ngày đầu điều trị, tỉ lệ bệnh nhân chấp nhận điều trị chỉ khoảng 10%, thống kê gần đây cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân chấp nhận điều trị đã tăng lên 60-90%, tùy bệnh lý. Kết quả điều trị một số bệnh ung thư tại bệnh viện tương đối tốt, tương đương với các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như u nguyên bào thận, u nguyên bào gan, u tế bào mầm... Tỉ lệ sống thêm toàn bộ sau 2 năm của tất cả các bệnh nhi ung thư đạt gần 60%.
Ung thư là bệnh có thể chữa được
GS, TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam - người đặt nền móng cho ung thư nhi Việt Nam - hết sức xúc động và vui mừng vì những tiến bộ của Khoa Ung bướu và ngành Ung bướu thời gian qua. Chia sẻ cảm xúc về những kỷ niệm với các bệnh nhi ung thư mà ông từng biết, ông nói: "Trước đây, hình ảnh về căn bệnh ung thư rất bi đát, nhưng từ thời đó có nhiều cháu đã vượt qua được thử thách, học lên đại học ở Mỹ, Singapo, đã đi làm rồi… Đó là những điều kỳ diệu. Đến bây giờ, khi nói ung thư là bệnh chữa được, nhiều người vẫn không tin. Nhưng các cháu được chữa khỏi bệnh hôm nay là minh chứng sống động. Điều này chúng tôi tuyên truyền, cổ động cách đây 40 năm và mong muốn từ khi đó."
GS, TS Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh, việc chẩn đoán sớm mang tính quyết định trong thành công. Ông bày tỏ mong muốn, sau này, những kiến thức về phòng chống ung thư sẽ được phổ cập rộng rãi để có thể chẩn đoán sớm. Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh ung thư phải rất lâu dài, kiên trì, trước đây là 3 năm nên rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng tới các gia đình vì phần lớn các gia đình có bệnh nhi ung thư ở nông thôn với nhiều khó khăn. GS, TS Nguyễn Công Khanh cho rằng, trong cuộc chiến này, điều cần nhất là các gia đình phải thật tin tưởng và kiên trì.
Tại chương trình, em Huyền (14 tuổi) cho biết: Em phát hiện mình mắc bệnh từ năm 7 tuổi và sau đó em được điều trị tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương). Gia đình em đã gặp rất nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần vào thời gian mới biết em mắc bệnh, nhưng em đã vượt qua với sức khoẻ hiện tại khá tốt và đang theo học lớp 8.
Còn em Quỳnh Anh (20 tuổi) mắc bệnh ung thu máu năm em 8 tuổi. Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, em đã cố gắng vượt qua đau đớn và hiện đang theo học tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Quỳnh Anh khuyên mọi người hãy suy nghĩ tích cực, đừng sợ rằng ung thư là bệnh chết người, mà hãy nghĩ rằng đó chỉ là một căn bệnh mà các bác sĩ đang cố gắng giúp đỡ mình vượt qua.
Không được phép sợ hãi trước ung thư
Em Khánh Linh (15 tuổi), điều trị bệnh ung thư máu tại Bệnh viện Nhi Trung ương ba tháng nay. Khi mới biết bệnh, em bị “sốc” và cực kỳ sợ hãi. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự tận tâm, chăm sóc chu đáo của các bác sĩ, em đã dần dần lấy lại tinh thần và xác định, mình phải vượt qua, phải có “tinh thần chiến đấu” với bệnh tật. Mẹ Khánh Linh cũng chia sẻ: Lúc đầu biết con bị bệnh, gia đình rất suy sụp. Chị đã từng có ý nghĩ không đưa con đi chữa trị, vì nghĩ sẽ không thể lành bệnh. Tuy nhiên, khi đưa con đến khám ở Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương), chị đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ trong minh. Chị kể: “Các bác sĩ đã mất hàng giờ để giải thích cặn kẽ về căn bệnh, về các phác đồ điều trị, rồi trong thời gian một tuần trong viện, được chứng kiến các y bác sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân, tôi đã dần bị thuyết phục. Đến giờ, niềm tin của tôi là tuyệt đối! Tôi tin, con mình chắc chắn sẽ lành bệnh!”
Tại buổi giao lưu, PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y Tế), Trưởng Ban Vận động Công tác xã hội Quỹ Ngày mai tươi sáng, cho biết, năm vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực để tăng số giường bệnh, đặc biệt là giường bệnh cho bệnh nhân ung thư. Cơ sở điều trị ung thư mới tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội đã có 500 giường bệnh mới được đưa vào sử dụng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có thêm 50 giường bệnh mới được bổ sung cho Trung tâm điều trị ung bướu. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn là ít ỏi so với nhu cầu và Bộ Y tế cũng như cộng đồng cần cố gắng hơn nữa để các cháu và bệnh nhân có điều kiện điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.”
Tại chương trình, 12 trường hợp trẻ em ung thư có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự bảo trợ của 10 nhà hảo tâm đầu tiên tham gia Chương trình “Đồng hành cùng bệnh nhi ung thư” do Quỹ Tấm Lòng Vàng phát động. 12 bệnh nhi ung thư khó khăn này được các nhà hảo tâm nhận bảo trợ trong một năm với mức bảo trợ thấp nhất là 300.000 đồng/tháng (4 trường hợp), còn lại mức 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra còn có các cá nhân ủng hộ trực tiếp cho từng hoàn cảnh thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động với số tiền ủng hộ là gần 40 triệu đồng.
THẢO NGUYỄN