Giải pháp thực hiện ba khâu đột phá chiến lược

Hội thảo khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ nhất nhận được gần 100 tham luận, công trình nghiên cứu có tính khả thi của các nhà kinh tế, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kinh tế, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có 30 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo, đề cập tập trung vào các nội dung, như: Bối cảnh quốc tế mới và các vấn đề năm 2023 liên quan doanh nghiệp, rào cản, khó khăn; các vấn đề thể chế, cải cách doanh nghiệp, cải cách tài chính; các khu vực kinh tế, xuất nhập khẩu và đổi mới sáng tạo; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững-an sinh xã hội...

Trao đổi, bàn luận tại hội thảo, một mặt các nhà khoa học đánh giá cao những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số; thu hút đầu tư nước ngoài; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội... mặt khác cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại về thể chế, chính sách, những rào cản trong phát triển kinh tế chưa được tháo gỡ... Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng) mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, theo GS, TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đúng và sáng tạo, dựa trên đổi mới tư duy kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài theo chủ trương, đường lối của Đảng...

leftcenterrightdel
 Tàu do Việt Nam sản xuất cập cảng Chu Lai, chuẩn bị xuất khẩu sang Myanmar. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế như: TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam; TS Trần Thị Hoa Thơm, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất: Trong quá trình phát triển, khu vực kinh tế nhà nước phải là nền móng vững chắc, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là tư nhân trong nước phải vươn lên mạnh mẽ, trở thành nhân tố phát triển quan trọng với các mũi đột phá trong mạng lưới cung ứng toàn cầu... Thảo luận xung quanh vấn đề này, hội thảo cũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 (lần thứ 3), về việc sử dụng tổng các nguồn lực: “Nguồn lực trong nước có ý nghĩa quyết định. Nguồn lực bên ngoài là cần thiết, góp phần tạo đột phá trong một số lĩnh vực quan trọng”.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, đưa nông nghiệp vươn tầm thế giới

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, hiện nước ta có một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, trong đó các tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Song thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ nguồn lực quốc gia, thậm chí, đang phải vật lộn để “trụ hạng”. Trong khi đó, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, với nhiều rào cản về thể chế, khiến doanh nghiệp tư nhân, nhất là các tập đoàn tư nhân lớn gặp nhiều bất lợi. Kết cục là nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn thiếu các trụ cột đích thực.

Nguyên nhân của thực trạng này là do Nhà nước chậm thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực-“ngược nguyên lý thị trường”-theo nguyên tắc “chọn người thắng”, thay vì nguyên tắc “khuyến khích người làm tốt”. Các chủ thể kinh tế yếu thế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang bị “bỏ lại phía sau, thậm chí loại ra khỏi “cuộc chơi dựa trên nguyên tắc “xin-cho”.

Để giải quyết bài toán này, các nhà khoa học đề xuất, Nhà nước cần xây dựng nền kinh tế với các chủ thể “khác biệt về chức năng, bình đẳng về tư cách, được tự do kinh doanh” trên nền tảng sở hữu mới, trong đó, sở hữu trí tuệ (bao gồm sở hữu công nghệ) đóng vai trò quyết định, được vận hành trong môi trường công khai, minh bạch. Không được phép duy trì một môi trường kinh doanh phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế hay do “quan hệ thân hữu”. Hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phải bảo vệ quyền tự do kinh doanh và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các chủ thể thị trường.

Bàn luận về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh không khỏi trăn trở: “Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, xác định: Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế”. Tuy nhiên, những năm qua, không ít địa phương có chủ trương ưu tiên, ưu đãi đầu tư nước ngoài nhiều hơn phát triển các doanh nghiệp dân tộc, miễn giảm thuế, tạo mặt bằng đất đai thuận lợi hơn... Hệ quả là, tạo nên sự bất bình đẳng với doanh nghiệp nội địa. Do đó, Đảng, Nhà nước cần đánh giá một cách khách quan về thành tích xuất nhập khẩu trong những năm gần đây khi sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa còn khiêm tốn, có nguy cơ dẫn đến nền kinh tế “gia công”...

Việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới xuất khẩu đến các thị trường khó tính được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự hội thảo quan tâm, tích cực thảo luận. Để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, theo các nhà khoa học, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thì quy trình sản xuất, chế biến đóng vai trò hết sức quan trọng.

Do đó, theo các nhà khoa học, cần đẩy mạnh phát triển trồng trọt theo hướng nông nghiệp thông minh, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Theo ông Cà Văn Chiu, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội KHKT tỉnh Sơn La và TS Lê Thị Xuân Liên, Hội khoa học kinh tế tỉnh Quảng Trị, các địa phương cần phát huy lợi thế vùng miền theo hướng chuyên canh, an toàn bền vững, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học-công nghệ cao, công nghệ mới về giống, công nghệ sinh học, canh tác và thu hoạch, phấn đấu mỗi địa phương đều có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần vào thành quả chung của ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng đến xuất khẩu.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG