Theo đó, thời gian tới, ba nước sẽ thực hiện ba kết nối lớn là: Kết nối về thể chế; kết nối kinh tế, cơ sở hạ tầng; kết nối con người. Những sợi dây kết nối này có sự tham gia đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

Kết nối lãnh đạo ba quốc gia

Cách đây hơn một năm, ở Hội nghị CLV lần thứ 9 tổ chức tại Siem Riep (Campuchia), ba Thủ tướng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã nhất trí thiết lập một cầu truyền hình trực tuyến kết nối văn phòng của ba Thủ tướng (ở Việt Nam là Văn phòng Chính phủ). Nhiệm vụ này được giao cho Viettel, bởi Viettel có hạ tầng viễn thông mạnh và đồng bộ ở cả ba quốc gia.

Tháng 1-2018, Viettel khánh thành kết nối cầu truyền hình văn phòng chính phủ của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Hệ thống cầu truyền hình này giúp việc hội đàm, trao đổi công việc giữa lãnh đạo chính phủ ba nước nhanh chóng và hiệu quả, góp phần rút gắn khoảng cách, hỗ trợ hoạt động ngoại giao. Việc này tạo điều kiện để những công việc cần sự đàm phán, trao đổi, thỏa thuận của lãnh đạo chính phủ ba nước có thể được thực hiện bất cứ thời gian nào.

Xóa khoảng cách về giá cước

Cũng tại Hội nghị CLV 9 nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bỏ cước roaming giữa ba quốc gia, nhằm tạo điều kiện để người dân có thể giao lưu, thông tin trao đổi với nhau một cách thuận lợi. Và ngay lập tức, Viettel đã thực hiện ý tưởng độc đáo có một không hai ở thời điểm đó. Từ ngày 1-1-2017, khách hàng của Viettel ở cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia khi thực hiện liên lạc cho nhau được giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data, cước tin nhắn giảm gần 10 lần. Cụ thể, giá gọi về Việt Nam (tới thuê bao Viettel) chỉ còn 2.000 đồng/phút; giá gọi tới thuê bao Unitel, Metfone chỉ còn 2.000 đồng/phút; giá truy cập data chỉ còn 200 đồng/MB… Chính sách này đã đưa cước chuyển vùng quốc tế giữa ba nhà mạng: Viettel tại Việt Nam, Unitel (thương hiệu Viettel tại Lào), Metfone (thương hiệu Viettel tại Campuchia) về tương đương với cước gọi nội địa.

Nhân viên Metfone triển khai các dịch vụ viễn thông đến vùng nông thôn Campuchia.    

Sau hơn một năm thực hiện, gói cước Đông Dương của Viettel nói trên đã góp phần kích thích tăng trưởng mạnh thuê bao roaming giữa ba mạng tại ba nước với mức tăng trung bình 98% (tương đương 38.859 khách hàng/tháng). Số thuê bao sử dụng dịch vụ roaming tại Lào trong năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016; con số này tại Campuchia là 1,6 lần. Lưu lượng sử dụng tại tất cả dịch vụ của từng khách hàng cũng tăng mạnh, trong đó truy cập data là dịch vụ tăng mạnh nhất. Mức sử dụng data của khách hàng roaming tại Lào và Campuchia trong năm 2017 đều tăng hơn 20 lần so với năm 2016. Tăng mạnh tiếp theo là sử dụng thoại gọi đi: Tại Lào, số phút gọi đi của khách hàng trong năm 2017 tăng gấp 15 lần so với năm 2016; con số tương ứng tại Campuchia là 5 lần. Như vậy, giảm cước thực sự kích thích việc thông tin, liên lạc nhiều hơn giữa người dân của ba nước, giúp tăng sự hiểu biết và tạo thêm các cơ hội giao thương.

Chính sách roaming nói trên được coi là dấu mốc lịch sử của cả ngành viễn thông thế giới; đưa ba quốc gia Việt Nam-Lào-Campuchia chính thức trở thành những nước đầu tiên trên thế giới không còn khoảng cách về viễn thông, một hình mẫu rất mới về “thế giới phẳng” trong viễn thông, tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy việc giao lưu kinh tế-thương mại, văn hóa, du lịch, đồng thời thắt chặt mối quan hệ láng giềng gắn bó trong khu vực, tác động đến các khối kinh tế trên thế giới để lan tỏa chính sách này.

Tiếp theo thành công đó, mới nhất, ngày 30-3, Viettel công bố giảm tới 99% cước roaming tại ba nước tiếp theo trong khu vực ASEAN là Myanmar, Philippines và Indonesia.

Xây dựng hạ tầng VT-CNTT hiện đại nhất

Cùng với việc giảm cước, Viettel đã đầu tư mạng 4G siêu tốc độ và hiện đại nhất thế giới tại các quốc gia trong khu vực ASEAN mà Viettel hiện diện. 100% trạm thu phát 4G của Viettel đều sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới là 4T4R (4 phát, 4 thu), cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần 2 lần so với công nghệ 2T2R (2 phát 2 thu) đang phổ biến trên thế giới. Trong đó, Lào và Campuchia là hai quốc gia mà Viettel đã triển khai 4G trước cả Việt Nam (Lào từ tháng 6-2015; Campuchia từ tháng 5-2016; Việt Nam từ tháng 4-2017).

Hạ tầng 4G hiện đại chính là nền tảng để Viettel triển khai hàng loạt dự án 4.0 trên nhiều lĩnh vực, như: Chính phủ điện tử; thanh toán điện tử; giáo dục; nông nghiệp; giao thông; an ninh… nhằm phổ cập dịch vụ viễn thông, xây dựng hạ tầng viễn thông bền vững, tạo ra nền tảng để đưa viễn thông-công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực cuộc sống… Từ đó đóng góp cụ thể trong việc tăng cường kết nối để phát triển cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, cũng như các nước trong khu vực ASEAN.

Bài và ảnh: HỒ QUANG PHƯƠNG