Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, cùng với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế giới (FTA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá diễn ra mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp có thế mạnh nói riêng.

 Quang cảnh hội thảo.

Quá trình toàn cầu hoá cũng đưa đến không ít thách thức cho xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp. Bởi khi tham gia vào các FTA với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu đồng nghĩa với việc sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam.

Hiện nay, những hạn chế trong đầu tư vào công nghệ cao, hiện đại; thiếu hụt nhân lực trình độ cao; đặc biệt ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển… khiến Việt Nam mới chỉ dừng lại là mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện Bộ Công thương đã chỉ ra rằng, Việt Nam đang thiếu doanh nghiệp thực hiện một số nguyên công trong quy trình công nghệ do công nghệ phức tạp, khó hoàn vốn. Do đó, Việt Nam không thực hiện được các đơn hàng, hoặc thực hiện được nhưng với giá thành cao.

Việt Nam cũng đang sở hữu trình độ gia công lạc hậu, độ chính xác không thoả mãn yêu cầu của sản phẩm. Giải thích về thực trạng này, đại diện Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu phần mềm hỗ trợ, thiếu thiết bị gia công, đo đạc, phân tích hiện đại, đồng thời cũng thiếu nhân lực.

TS.Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm SIDEC (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp) đề xuất: Chính phủ cần thực hiện các biện pháp phi thuế, thu hút vốn đầu tư FDI vào công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp; đối với thị trường xuất khẩu, Chính phủ cần tăng cường thông tin thị trường, thực hiện nhiều hội chợ quốc tế để nâng cao hình ảnh quốc gia; đối với các doanh nghiệp, cần hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng thương mại và đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế; đối với thị trường nội địa, phải thực hiện phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.

Bộ Công thương cũng đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Phát hiện và hỗ trợ để đáp ứng các công đoạn còn thiếu, đồng thời hỗ trợ giá hay hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện các công đoạn này; xây dựng các chuẩn doanh nghiệp hỗ trợ để tập trung bồi dưỡng các doanh nghiệp gần đạt chuẩn một cách có hiệu quả, tránh hỗ trợ tràn lan; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực hợp lý, khuyến khích phát triển các trường dạy nghề…

Tin, ảnh: VŨ DUYÊN