Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận trong lĩnh vực viễn thông luôn có đạt kết quả tốt, góp vào ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng. So với thời điểm năm 2009, khi Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện vừa ban hành thì tổng doanh thu viễn thông đã tăng gần 3 lần, đây là thông tin vừa được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại Hội nghị sơ kết đánh giá 5 năm thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện.
Hai văn bản quan trọng của ngành viễn thông
Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 23-11-2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, vệ tinh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Từ khi có Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động internet băng rộng, đặc biệt số lượng thuê bao di động băng rộng 3G tăng nhanh. Số liệu thống kê tính đến tháng 12-2015 cho thấy, đã có 7,7 triệu thuê bao internet băng rộng cố định; 35,8 triệu thuê bao 3G (đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân). Thông tin di động băng hẹp đã phủ sóng cả nước, vùng phủ sóng thông tin di động băng rộng ngày càng được mở rộng nhờ việc sử dụng công nghệ mới và tăng số lượng các trạm phát sóng vô tuyến điện nên đã cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ di động băng rộng.
Năm 2015, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông ước đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 56.000 tỷ đồng, góp vào ngân sách Nhà nước 46.880 tỷ đồng. So với năm 2009 khi hai luật được ban hành, tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông tăng hơn 116.000 tỷ đồng. Cùng với việc tăng cường, củng cố thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông đã có đủ lực để thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Đánh giá Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện là hai văn bản quan trọng nhất và quyết định đến sự phát triển của ngành viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định: Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện là hai văn bản quan trọng nhất và quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Trong 5 năm qua, viễn thông, internet tại Việt Nam từ một dịch vụ cao cấp đã trở thành một dịch vụ bình dân, phổ biến trong xã hội. Kể từ khi hai Luật này có hiệu lực đến nay đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng viễn thông rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia - Mạng Telemor (thương hiệu Viettel tại Đông Timor) Ảnh minh họa.
Tạo cơ chế cho doanh nghiệp viễn thông
“Một trong những thành công nổi bật nhất của Luật Viễn thông là việc thị trường viễn thông đã trở nên cạnh tranh hơn, tương đối bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông. Cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều quy định về tỷ lệ vốn hoặc cổ phần tối đa được nắm giữ của các doanh nghiệp trong các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước lớn phải tái cơ cấu, sắp xếp lại. Đồng thời, Nhà nước cũng áp dụng quy định quản lý bất đối xứng, siết chặt hơn những doanh nghiệp nắm thị phần khống chế, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, không nắm thị phần khống chế để tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ làm chủ thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu mở rộng việc đầu tư ra nước ngoài như: Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia, với tổng dân số 175 triệu dân. VNPT đang triển khai xúc tiến thương mại và đầu tư tại nước ngoài”, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết.
Tuy nhiên, tại hội nghị, lãnh đạo của Tập đoàn Viettel đề xuất việc quản lý thị trường viễn thông không “phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ” mà chỉ nên ưu tiên đối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Đại tá Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kiến nghị, Bộ TT&TT cần thay đổi chính sách quản lý cước đối với doanh nghiệp có thị phần khống chế, cũng như tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia kinh doanh trong các lĩnh vực khác.
Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, hiện Nhà nước đang thực hiện chính sách quản lý thắt chặt hơn đối với các nhà mạng thống lĩnh thị trường (SMP), như khi muốn thay đổi chính sách cước, giá cước phải báo cáo lên Bộ TT&TT và phải được phê duyệt. Trong khi đó, nhà mạng không thống lĩnh thị trường (non-SMP) được phép bỏ qua quy trình này dẫn đến bị động, mất cơ hội kinh doanh. Giải pháp mà Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất là “Hiện tại chúng ta đang thực hiện chính sách quản lý cước chặt hơn đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, đề nghị trong thời gian tới Nhà nước chỉ nên có chính sách ưu tiên với những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, như vậy mới đảm bảo thị trường cạnh tranh thực sự”.
Về việc đề xuất của Tập đoàn Viettel, lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng: "Việc quản lý giá cước, khuyến mại là để thúc đẩy và bảo vệ cạnh tranh, chống phá giá, chống độc quyền. Đây là việc rất cần thiết để đảm bảo thị trường cạnh tranh phát triển bền vững, tránh nguy cơ bất ổn, tái độc quyền".
Bài, ảnh: VĂN PHÒNG - THU THỦY