QĐND Online - Tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc 2014, là tỉnh đăng cai tổ chức nên Hà Giang đóng góp gần chục gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch của các huyện trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là các sản phẩm du lịch được đem giới thiệu tại hội chợ chủ yếu là các mặt hàng nông sản như: Cam sành, hồng không hạt, lê, mận đào, thịt bò, trâu khô; hàng dược liệu như: Tam thất, chè giảo cổ lam, mật ong bạc hà, chè san tuyết, thảo quả ... mà thiếu đi những quà tặng lưu niệm có giá trị và khả năng lưu giữ như đồ thủ công mĩ nghệ, tranh ảnh, biểu tượng...
Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, năm 2013, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm của tỉnh Hà Giang, nhưng chưa có sự đầu tư trong việc nghiên cứu khai thác các giá trị văn hóa của các dân tộc trở thành sản phẩm du lịch, quà tặng lưu niệm nên các mặt hàng chưa được sản xuất nhiều, mới chỉ tập trung cho một số mặt hàng lưu niệm chế tác từ đá thuộc khu vực cao nguyên đá Đồng Văn và TP Hà Giang.
 |
Các gian hàng tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc của tỉnh Hà Giang chủ yếu bày bán các sản phẩm nông sản, hàng dược liệu. |
Rõ ràng, một chuyến du lịch được trọn vẹn không thể thiếu những món quà lưu niệm mang tính đặc trưng. Đến tham quan du lịch ở nơi nào, du khách cũng muốn lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp, muốn mua những sản phẩm lưu niệm mang hình ảnh đặc trưng của địa phương đó.
Việc phát triển sản phẩm du lịch quà lưu niệm vì thế là yêu cầu cần thiết đặt ra đối với ngành kinh tế du lịch nhằm tăng nguồn thu. Thêm vào đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng là phương thức quảng bá, tiếp thị hình ảnh kinh tế, văn hóa của địa phương đến với du khách, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Là tỉnh có nhiều dân tộc ít người sinh sống, bản sắc văn hóa đa dạng, Hà Giang có thế mạnh rất lớn để xây dựng những sản phẩm lưu niệm đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Tuy nhiên cho đến nay, việc xây dựng các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Hà Giang vẫn chưa đạt được kết quả cao dù tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ.
 |
Một trong những sản phẩm lưu niệm hiếm hoi tại gian hàng của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. |
Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác khôi phục làng nghề truyền thống tại Hà Giang chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất các mặt hàng lưu niệm. Mặt hàng thủ công mĩ nghệ còn rất hạn chế, chỉ có một số ít hàng thổ cẩm từ các làng nghề như Lanh Lùng Tám (Quản Bạ), hàng mây tre đan Bắc Quang, chế tác khèn Mông huyện Đồng Văn... Những mặt hàng có giá trị cao như đồ thủ công chạm bạc, đồ trang sức, phụ kiện trang phục của các dân tộc chưa được chú trọng phát triển.
Thêm vào đó, các làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng lưu niệm có giá trị thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, giao thông không thuận tiện nên thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp.
Để phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ cho hoạt động du lịch, Hà Giang cần đầu tư phát triển các làng nghề và đặc biệt, cần tăng cường quảng bá tiếp thị sản phẩm để các sản phẩm lưu niệm ra đời không bị “chết yểu” do không tìm được thị trường tiêu thụ.
Sở Công thương Hà Giang đã đưa ra nhiều giải pháp để khôi phục phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh như hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay tín dụng cho các hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp trong làng nghề đã được công nhận; tăng nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ máy móc thiết bị, đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho các làng nghề đã được công nhận...
Nếu việc phát triển làng nghề được thực hiện tốt, đây sẽ là cơ hội để thị trường sản phẩm lưu niệm dành cho du khách phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh Hà Giang.
Bài, ảnh: THU THỦY