Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: Bảo đảm sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp

Cần có chế định rõ ràng, bảo đảm công ty nông, lâm nghiệp được giao, cho thuê đất có quyền bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong tự chủ tổ chức sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý sử dụng hiệu quả đất được giao, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước như các doanh nghiệp nông nghiệp khác.

leftcenterrightdel
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của nhân dân. Ảnh: TTXVN 

Tôi đề nghị sửa Khoản 1, Điều 175 dự thảo luật quy định đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng thành: Các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo phương án sử dụng đất được phê duyệt. Diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng; đất giao khoán không đầu tư; đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trái quy định; đất bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp bàn giao về địa phương quản lý.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng. Vì vậy, tôi đề nghị sửa Khoản 2, Điều 176 quy định đất trồng lúa thành: Nhà nước có chính sách điều tiết, phân bổ ngân sách, hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; nâng cao đời sống người trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Khoản 3, Điều 185 dự thảo luật quy định tập trung đất nông nghiệp nêu: Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Tôi đề nghị sửa thành: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. 

Tại Khoản 4, Điều 185 dự thảo luật quy định: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định. Tuy nhiên, trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường có thể chỉ diễn ra trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định với quy mô không lớn nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc quy định này. 

Khoản 3, Điều 186 dự thảo luật quy định tích tụ đất nông nghiệp nêu: Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ. Tôi đề nghị sửa “với quy mô phù hợp” thành “theo quy định của pháp luật đất đai”.

Khoản 4, Điều 186 dự thảo luật quy định nêu: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tích tụ đất nông nghiệp và bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ. Tôi đề nghị bỏ cụm từ: “và bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ”.

THU DUYÊN (ghi)