Giá lợn hơi “lao dốc", vì đâu?
Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, giá thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ ở mức 30.000-32.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi mất ăn, mất ngủ.
Lý giải về nguyên nhân giá lợn lao dốc thời gian qua, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, trường học, bếp ăn tập thể... cơ bản dừng hoạt động.
Nhiều chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh như: Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức phải đóng cửa... dẫn đến tình trạng lượng tiêu thụ thực phẩm giảm từ 30 đến 50%. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.600 tấn thịt các loại (trong đó thịt lợn chiếm khoảng 65-70%), 2,2-2,5 triệu quả trứng; giãn cách xã hội dẫn đến việc tiêu thụ giảm xuống chỉ còn 50-55%.
Tại Hà Nội, nhu cầu thịt các loại trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng hơn 1.000 tấn (thịt lợn khoảng 600-650 tấn), 4 triệu quả trứng, nhưng giãn cách xã hội dẫn đến việc tiêu thụ giảm xuống chỉ còn khoảng 40-50%. Lượng gia súc, gia cầm giết mổ cũng giảm so với thời điểm trước dịch (lợn: 27,7%, gà: 49,8%).
 |
Chăn nuôi lợn theo quy mô công nghiệp của Tập đoàn Masan tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. |
Trong khi giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm thì giá và thị trường nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi đều tăng 16-36% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Điều này khiến người sản xuất thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng với số lượng khoảng 30% (1,5-2 triệu con). Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phát sinh lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh các giải pháp để bảo đảm nguồn cung
Trong 3 tuần trở lại đây, giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 46.000-55.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, việc lưu thông, giết mổ thuận lợi hơn sau khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ: "Trong công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi, hiện ngô chiếm 45%, đậu chiếm 20%, lúa mì chiếm 5%, cám gạo, tấm chiếm 10%. Tuy nhiên, từ tháng 9-2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, kèm theo giá cước vận tải tăng mạnh khiến giá thành 1kg thịt gà, thịt lợn tăng thêm 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước đây (trước đây, giá vận chuyển ngô nhập khẩu về Việt Nam chỉ khoảng 40USD/tấn nay tăng lên 120USD/tấn). Vì vậy, những chính sách hỗ trợ về vốn cho nông dân tái đàn, phục hồi sản xuất vào thời điểm cuối năm là vô cùng cần thiết".
Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ngành chăn nuôi thoát khỏi khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: "Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng những nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương, như: Cám, ngô, sắn... tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng đang kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022. Đồng thời, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào cho các đối tượng chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...".
Với những giải pháp trên của các cơ quan chức năng, cộng với công tác kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, hy vọng nguồn cung chăn nuôi sẽ bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm 2021; đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM