QĐND - Theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ116) của Chính phủ, kể từ ngày 1-3-2011 đến ngày 1-3-2016, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ chính sách như: Phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu và chuyển vùng… Tuy nhiên, đến nay, gần 600 giáo viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa được hưởng đầy đủ những chế độ ưu đãi…

Trường Tiểu học Đại Ân 1A, nơi có nhiều giáo viên gặp khó khăn chưa được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định của NĐ116.

Ngày 11-6-2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 106/QĐ/TTg phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, nằm trong danh sách này có 2 xã Đại Ân và An Thạnh (Đại Ân 1 và An Thạnh 1) của huyện Cù Lao Dung. Đây cũng là 2 xã được thụ hưởng chế độ chính sách theo quy định của NĐ116.

Qua khảo sát các điểm trường trên địa bàn 2 xã Đại Ân 1 và An Thạnh 1, chúng tôi ghi nhận, hầu hết các giáo viên khi mới nghe triển khai NĐ116 đều có cùng tâm trạng hồ hởi, phấn khích. Thế nhưng thời gian chờ đợi thực hiện quá dài, bức xúc chỉ được ghi nhận ở cấp cơ sở, các văn bản giải đáp của cơ quan chức năng địa phương chưa đủ sức thuyết phục nên nhiều người nản lòng. “Không biết tới bao giờ mới được hưởng” là câu trả lời kèm theo tiếng thở dài của các giáo viên mỗi khi được hỏi đến.

Mới đây, ngày 10-4-2013, tại Công văn số 786 do Phó giám đốc Võ Thanh Văn ký, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ, chính sách theo NĐ116 của năm 2011 và 2012 do các đơn vị, địa phương báo cáo (theo tiền lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng), UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện với tổng số tiền 584,116 triệu đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ chấp thuận bổ sung cho địa phương số tiền 116,257 triệu đồng, bằng 27,6% nhu cầu đề nghị.

Bộ Tài chính xác định: Đối với kinh phí chi phụ cấp thu hút của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đối tượng đã được hưởng chính sách theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP thì không được hưởng chính sách thu hút theo NĐ116. Tuy nhiên, do tỉnh (Sóc Trăng) đề nghị phần lớn đối tượng là giáo viên nên Bộ Tài chính chưa có cơ sở thẩm định chế độ phụ cấp thu hút đối với các đối tượng này.

Vì vậy, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng trình UBND tỉnh xem xét, quyết định triển khai cấp đợt đầu kinh phí thực hiện chế độ, chính sách theo NĐ116 năm 2011 và 2012 cho các đơn vị, địa phương (trừ ngành giáo dục) trong phạm vi số tiền được Bộ Tài chính thống nhất (116,257 triệu đồng).

Đối với ngành giáo dục, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ tổng hợp lại nhu cầu kinh phí năm 2011 và 2012 trước ngày 1-5-2013 để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bố trí kinh phí thực hiện, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cù Lao Dung, hiện nay địa phương có 590 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng chế độ chính sách theo NĐ116, tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Ông Ngô Som Nang, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cù Lao Dung nói: “Những giáo viên này thu nhập chính chỉ có đồng lương, trong khi cuộc sống có rất nhiều khoản cần tiền để trang trải”.

Ông Ngô Som Nang cũng cho biết, ở xã Đại Ân 1 và An Thạnh 1, nhiều giáo viên có hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt là chỗ ở, có người nhận quyết định nghỉ hưu rồi nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Ân 1A dẫn chứng:

- Trường tôi có tất cả 27 giáo viên nhưng hơn một nửa là từ nơi khác chuyển đến. Các thầy cô phải ở trọ trên thị trấn, cách trường 8 đến 10km, hằng ngày sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại dạy học. Nếu được nhận phụ cấp thu hút (bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng) thì đời sống của giáo viên sẽ bớt khó khăn hơn.

Cô Nguyễn Thị My, giáo viên Trường Tiểu học Đại Ân 1A tâm sự:

- Tôi công tác trong ngành hơn 20 năm nhưng vẫn chưa lo nổi chỗ ở tử tế cho gia đình, hiện phải ở nhờ trên phần đất của nhà trường. Chồng tôi làm nghề chạy xe ôm, thu nhập của hai vợ chồng chỉ tạm sống đắp đổi qua ngày. Tôi chỉ mong sớm được phụ cấp thu hút để “nâng cấp” ngôi nhà tồi tàn, mua sắm phương tiện sinh hoạt và phát triển kinh tế gia đình.

Theo tính toán của cô My, nếu được truy lĩnh phụ cấp thu hút, trong hơn 2 năm qua cô sẽ nhận được khoảng 50 triệu đồng. Đây là số tiền “trong mơ” đối với những giáo viên nghèo như cô.

Ông Ngô Som Nang bày tỏ: “Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên vùng bãi ngang đều an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn tất thủ tục để những giáo viên này sớm nhận được tiền hỗ trợ theo quy định”.

Các chế độ chính sách dành cho giáo viên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo QĐ116 là chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ những người làm công tác giáo dục chịu nhiều thiệt thòi. Sự chờ đợi quá lâu làm giảm ý nghĩa của chính sách và lòng tin của người dân.

Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU