QĐND - Đối với dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, năm 2015 được đánh giá là then chốt với việc khởi công nhiều công trình hạ tầng và thực hiện nhiều gói thầu quan trọng. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tiến trình thực hiện dự án, phóng viên đã có cuộc đối thoại với GS, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam.

- Thưa Viện sĩ, ông có thể cho biết đôi nét tình hình và kế hoạch thực hiện dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam?

- Hiện nay, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được triển khai trên diện tích gần 9ha với vốn đầu tư 54 tỷ yên từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Ba thành phần chính của dự án là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, làm chủ được công nghệ vệ tinh, đang được triển khai thực hiện.

Viện sĩ Châu Văn Minh.

Như Báo Quân đội nhân dân đã thông tin, phần hạ tầng kỹ thuật của dự án được khởi công từ tháng 9-2012, đến tháng 10-2014 đã hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng của dự án tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và sẵn sàng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật từ năm 2015. Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã thực hiện như: Triển khai hạng mục xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ tại 18 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), Đài thiên văn tại Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa), đặc biệt đang chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TP Hồ Chí Minh.

- Được biết, một trong những nhiệm vụ chính đã hoàn thành trong năm 2014 là công tác chuẩn bị mặt bằng của dự án tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc? Phần việc này có gặp khó khăn gì không, thưa Viện sĩ?

- Công tác chuẩn bị mặt bằng dự án nhìn chung diễn ra khá thuận lợi ngoại trừ một vài thời điểm không gặp thuận lợi về điều kiện thi công và thời tiết. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng như tinh thần nỗ lực cao của đơn vị chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và các nhà thầu giám sát, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình.

- Thưa Viện sĩ, vấn đề triển khai chương trình đào tạo công nghệ vệ tinh cơ bản là một hợp phần quan trọng cho việc phát triển nhân lực của dự án đã được thực hiện thế nào?

- Khác với các dự án chuyển giao công nghệ khác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ công nghệ cao, ngoài 18 cán bộ được cử đi đào tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh (vệ tinh nâng cao), dự án còn có riêng một chương trình đào tạo công nghệ vệ tinh cơ bản bởi đây là một chuyên ngành rất đặc thù chưa có chương trình đào tạo kỹ sư chuẩn về công nghệ vệ tinh tại Việt Nam. Theo chương trình này, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ cử 36 cán bộ trẻ sang Nhật Bản tham gia khóa đào tạo thạc sĩ về công nghệ vũ trụ theo các lĩnh vực: Điều khiển quỹ đạo, điều khiển tư thế, cấu trúc, nhiệt, truyền thông, lệnh và thu thập xử lý dữ liệu, cung cấp nguồn, hệ thống đẩy, phần mềm và lắp ráp tên lửa phóng. Ngoài ra, khóa học có sự khác biệt đó là các cán bộ này sẽ tham gia chương trình thực hành “Thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm vệ tinh micro 50kg” được thiết kế riêng.

Chương trình chia thành ba khóa học: 2013-2015, 2014-2016, 2015-2017. Hiện nay đã có 22 cán bộ của trung tâm đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học Nhật Bản theo chương trình này.

Sơ đồ các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Trong khuôn khổ của chương trình, tháng 12-2014, Hội thảo chuyên đề lần thứ nhất về thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh MicroDragon đã được tổ chức thành công tại Tô-ki-ô, Nhật Bản. Đây là hoạt động rất quan trọng trong quá trình học tập, thực hành thiết kế, tích hợp và thử nghiệm một vệ tinh MicroDragon của các cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia dưới sự hướng dẫn, giám sát của các giáo sư tại các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản. Đây cũng là một phần cốt lõi và điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo vệ tinh cơ bản của dự án. Theo kế hoạch vào tháng 10-2017, việc chế tạo vệ tinh MicroDragon sẽ hoàn thành và sẵn sàng phóng lên quỹ đạo.

Cho đến nay, chương trình đào tạo vệ tinh cơ bản của dự án được đánh giá là thực hiện rất tốt dù Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã phải nỗ lực vượt khó rất nhiều để có thể cử cán bộ đi học đúng kế hoạch của dự án.

- Năm 2015, một năm được đánh giá là then chốt với việc khởi công nhiều công trình hạ tầng và thực hiện nhiều gói thầu quan trọng. Viện Hàn lâm KH&CN Việ Nam triển khai những bước đi cụ thể thế nào, thưa Viện sĩ?

- Ý thức được tầm quan trọng của tiến độ dự án nên ngay từ đầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật riêng cho dự án, gồm nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan. Vì vậy, viện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao chủ đầu tư là Trung tâm Vệ tinh Quốc gia bảo đảm tiến độ thực hiện ở từng dự án thành phần để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, đặc biệt là công tác giám sát chất lượng và việc tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật.

Năm 2015, dự án sẽ triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm các hạng mục sử dụng vốn đối ứng và vốn ODA tại Hòa Lạc, cho đến thời điểm này, mọi công tác vẫn nằm trong kế hoạch đề ra. Viện cũng đã chỉ đạo Trung tâm Vệ tinh Quốc gia triển khai các công trình đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu chất lượng cao và an toàn lao động.

- Trân trọng cảm ơn Viện sĩ!

LÊ XUÂN ĐỨC (thực hiện)