Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay đối với DNNVV song vẫn bảo đảm an toàn vốn vay.

Lãi suất cho vay ngắn hạn còn 5%/năm

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam), trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn. NHNN Việt Nam đã quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có DNNVV) thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Mới đây nhất, ngày 14-3-2023, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).

leftcenterrightdel
 Cán bộ tín dụng ngân hàng thẩm định giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp. Ảnh: PHÚ SƠN

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, DNNVV đang được Agribank cho vay với mức lãi suất thấp hơn rất nhiều (giảm đến 50%) so với lãi suất cho vay thông thường để tạo cơ hội cho khách hàng có thể mở rộng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, dư nợ cho vay khách hàng DNNVV của Agribank là trên 325.000 tỷ đồng, với hơn 20.000 khách hàng (chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân).

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông tin, trong tháng 3-2023, Vietcombank tiếp tục triển khai Chương trình An tâm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng DNNVV với mức lãi suất vay cố định trong các kỳ hạn dài như 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm và cả những kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm, 10 năm với lãi suất cho vay chỉ từ 10,4%/năm. Trước đó, ngay từ đầu năm 2023, Vietcombank đã dành 100.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đánh giá, tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng. Nguyên nhân về phía ngành ngân hàng là do các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng nên các khoản cho vay vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng.

Về phía doanh nghiệp, nguyên nhân khó tiếp cận vốn ngân hàng là do DNNVV có quy mô vốn, năng lực tài chính, trình độ quản trị còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ảnh hưởng tới việc xem xét cấp tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, hiện đa số DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị "nới" các điều kiện cho vay DNNVV, làm sao thông thoáng hơn. Thực tế đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất..., tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn với các điều kiện như hiện nay. "Nếu không có giải pháp đồng bộ từ trên xuống, các ngân hàng không thể đột phá được. Bị bó về mặt cơ chế thì ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay DNNVV cũng không đơn giản", ông Nguyễn Văn Thân nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên chia sẻ, một số doanh nghiệp hiện nay cần phải được giãn nợ, hoãn nợ, nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Có không ít DNNVV sức cạnh tranh thấp hiện nay không dám vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn. Phó thống đốc khẳng định, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.

NGUYỄN ANH VIỆT