QĐND Online - Tại buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương địa phương đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Trong đó, Tổng Bí thư ấn tượng trước kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, kết hợp với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hướng vào giải quyết bức xúc trong dân. Phóng viên Báo QĐND Online đã tìm hiểu, phản ánh kết quả việc thực hiện phần việc này ở Bình Thuận.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí gặp gỡ, giải quyết thắc mắc của người dân xung quanh việc giải tỏa mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1 A |
Lắng nghe dân để hiểu bức xúc của dân...
Trước lần công tác này khoảng một tháng, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tiễn ở Bình Thuận. Kỷ niệm mang về là một câu chuyện liên quan đến đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận. Đó là khi đã hẹn trước, đồng chí Hùng vẫn “trễ hẹn” vì lý do bận tiếp dân, gặp gỡ nói chuyện với dân. Khi đó, anh Hùng vui vẻ giải thích với tôi:
- Trên cương vị công tác, mình phải thực hiện kế hoạch tiếp xúc với dân theo định kỳ và đột xuất. Phần việc này không thể bỏ qua, bỏ sót được.
Với nụ cười đôn hậu, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết vừa dành 2,5 giờ đồng hồ giải thích cho một công dân ở thị xã La Gi, giúp anh này tháo gỡ thắc mắc trước việc tranh chấp đất đai. Anh Hùng xem đó là một cách để nắm bắt bức xúc trong dân.
Với tinh thần và cách làm đó, ở Bình Thuận, việc cán bộ tiếp xúc, đối thoại với dân trở thành nền nếp công tác. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trung bình một kỳ họp có khoảng 15-25 cuộc chất vấn với cử tri và nhân dân. Tỉnh ủy quy định cụ thể chế độ đi cơ sở. Thường trực tỉnh ủy, trưởng, phó các ban đảng đi cơ sở 1-2 lần, tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, phường 3 lần/năm. Các đồng chí trong thường vụ huyện ủy và huyện ủy viên chọn dự sinh hoạt bất kỳ chi bộ nào trên địa bàn được phân công. 100% cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đều có quy chế đi cơ sở. Nhiều sở, ban, ngành thực hiện tốt việc cắt cử cán bộ luân phiên nắm địa bàn, nằm vùng để lắng nghe nguyện vọng của dân.
Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc sáng 4-7, đồng chí Huỳnh Văn Tí trình bày cách làm trên, đồng thời nêu rõ thêm: Ngoài kênh tiếp xúc “trực tiếp” với dân, cơ quan chức năng còn nắm bắt ý dân qua việc thực hiện tốt chế độ thông tin 2 chiều. Bình Thuận duy trì thường xuyên chế độ gặp gỡ, tiếp xúc để thông báo tình hình, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, thầy giáo, thầy thuốc; những vấn đề mà nội bộ, nhân dân, báo chí quan tâm. Nhờ vậy, đã tạo được sự đoàn kết nội bộ và đồng thuận trong xã hội ngày càng cao hơn.
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí trong Thường vụ tỉnh ủy Bình Thuận |
“Hiện thực hóa” chế độ thông tin 2 chiều, ngành tuyên giáo Bình Thuận đang duy trì có nền nếp hoạt động “Giao ban dư luận xã hội”. Phần việc này được tổ chức hằng tháng, được 15 đảng bộ trực thuộc cụ thể hóa, thực hiện. Thành phần dự giao ban rất đa dạng, phong phú, có cả cán bộ thôn, phố và đại diện tiểu thương và một số thành phần xã hội khác... Qua giao ban, cơ quan chức năng nắm bắt tâm lý của dân, có chủ trương, biện pháp định hướng dư luận hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý bức xúc trong dân. Ngoài việc làm trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn chỉ đạo Báo Bình Thuận mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị 03, coi trọng tác dụng của hòm thư góp ý, lập đường dây nóng… để người dân phản ánh thực tiễn cuộc sống, trình bày tâm tư, nguyện vọng.
Nhờ lắng nghe ý dân mà nhiều phần việc được cấp ủy, chính quyền điều hành có hiệu quả. Ví dụ như, trước kiểm điểm theo tinh thần NQTW4, Tỉnh ủy có “Thư ngỏ” đăng, phát trên các phương tiện thông tin để lấy ý kiến rộng rãi của dân đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhờ đó, Ban Thường vụ thu được nhiều đóng góp tâm huyết, có giá trị sâu sắc phục vụ công tác kiểm điểm. Đóng góp của dân cũng là căn cứ quan trọng giúp Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận xác định 12 việc cần giải quyết và 5 việc phải làm ngay. Đây là những vấn đề sát với việc nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Hiện nay, Bình Thuận đang tập trung rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá chất lượng nguồn tin từ dân để kịp thời phát hiện những tồn đọng, vướng mắc trong đời sống xã hội và bức xúc trong cộng đồng.
Cùng với việc nghe dân nói, cấp ủy chính quyền còn chủ động xin ý kiến quần chúng trước những quyết định quan trọng. Ví dụ như, việc xây dựng sân golf Phan Thiết, cấp ủy, chính quyền xin được 19 ý kiến đóng góp để lựa chọn phương án tốt nhất. Việc xây dựng các chợ: Bình Thuận (TP. Phan Thiết), Long Phước (Hàm Thuận Bắc), Mũi Né (Phường Mũi Né)... cơ quan chức năng đều tiến hành xin ý kiến quần chúng từ mẫu thiết kế, phương án lựa chọn đơn vị thi công, cách thức quản lý, vận hành, phương thức huy động vốn... Tương tự, các quyết sách quan trọng khác cũng được đăng tải trên các phương tiện thông tin, các trang mạng... khuyến khích nhân dân tham gia ý kiến. Toàn bộ các hoạt động của chính quyền được công khai hóa, đưa truyền hình trực tiếp, tạo điều kiện để người dân theo dõi, giám sát.
 |
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đến nhà dân để nghe dân nói |
Xử lý triệt để bức xúc trong dân
Thực hiện chủ trương xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ ở Thành phố Phan Thiết, nhân dân bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cao. Tuy vậy, do nhận thức chưa đầy đủ, CCB Nguyễn Trung Hòa, ở phường Xuân An, có đơn gửi chính quyền. Trước ý kiến không đồng thuận của duy nhất một cá nhân, UBND Thành phố Phan Thiết chủ trương giải quyết triệt để. Chính quyền mời đại diện các cơ quan chức năng liên quan, hội CCB và cá nhân ông Hòa về dự buổi làm việc tại UBND Thành phố Phan Thiết. Tại đây, lãnh đạo địa phương giải thích giúp ông Hòa nhận thức rõ chủ trương của cấp ủy, chính quyền, tháo gỡ những trăn trở trong nhận thức của công dân này. Sau khi ông Hòa thông tư tưởng, UBND thành phố tiếp tục có văn bản thông tin thêm với ông Hòa các kết luận tại buổi làm việc. Với cách làm như vậy, về sau, chính ông Hòa là người tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng đền thờ.
“Cách làm của Phan Thiết là bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Tức là, cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm giải quyết thấu đáo từng bức xúc dù nhỏ nhất của dân. Giải quyết bức xúc phải quán triệt phương châm đi từng bước vững chắc, chọn từ ít đến nhiều, thấp đến cao, dễ đến khó, làm sạch sẽ, chặt chẽ”, đồng chí Bùi Thế Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Bình Thuận khẳng định.
Kinh nghiệm rút ra ở Bình Thuận là: Khi có bức xúc, cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết triệt để, tận gốc nguyên nhân, nguyên cớ dẫn đến bức xúc. Ví như, trước bức xúc của dân liên quan đến việc khai thác, quản lý rừng của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận, UBND tỉnh có 2 công văn chỉ đạo tổ chức khảo sát toàn diện, tất cả các dự án liên quan đến rừng từ 1,5 năm trở lại; tiến hành quy hoạch, xử lý tổng thể kết hợp với chọn việc ưu tiên, làm dứt điểm. Hay như, trước tình trạng các dự án ti-tan gây ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc và không phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, Bình Thuận kiên quyết không cho khai thác tiếp. Nếu như ngày trước có 22 dự án, hoạt động khó quản lý, thì giờ chỉ còn 2 dự án hoạt động đúng với quy định pháp luật.
Tương tự, toàn bộ các dự án 10 năm trở lại đây trong toàn tỉnh, được cơ quan chức năng tổ chức thanh tra. Hai năm gần đây, Tỉnh ủy Bình Thuận xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 5 dự án gây nhiều bức xúc kéo dài trong nhân dân; tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân.
Cũng với tinh thần này, ở từng cấp, cấp ủy lựa chọn từng vụ việc để tập trung giải quyết, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường; thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất… Nhờ cách làm như vậy, đến nay, các địa phương, đơn vị ở Bình Thuận đã giải quyết dứt điểm 69/ 94 vụ, đạt gần 74% số vụ việc dư luận quần chúng bức xúc, quan tâm. Nhiều địa phương, đơn vị như: Thị xã La Gi; các huyện: Tuy Phong, Tánh Linh, Bắc Bình, Sở tài nguyên Môi trường, Công an tỉnh đã giải quyết 100% số vụ việc nổi cộm, tồn đọng. Đó cũng là nguyên nhân giúp tình hình khiếu kiện của công dân bình quân năm sau giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Bình Thuận, sau khi nghe báo cáo về tình hình và kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận việc Tỉnh ủy Bình Thuận lựa chọn nội dung trọng tâm là hướng vào giải quyết các bức xúc trong dân, khắc phục hiệu quả hạn chế về tác phong công tác của đội ngũ cán bộ... là hướng đi đúng. Tổng Bí thư yêu cầu địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt hơn phần việc này trong thời gian tới.
Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN