Nhân viên nhà máy xử lý nước thải KCN Đại An kiểm tra chất lượng nước sau khi đã qua xử lý.
Để hài hòa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, lợi ích môi trường và tăng trưởng của địa phương không phải là chuyện ngày một, ngày hai có thể giải quyết được. Qua tìm hiểu thực tế tại KCN Đại An của tỉnh Hải Dương, địa phương này cũng như Ban quản lý KCN đã có những cách làm riêng, tương đối hiệu quả để một mặt vừa thu hút được đầu tư, vừa bảo đảm môi trường sinh thái.
Trao đổi về việc thực thi pháp luật trong bảo vệ môi trường, đặc biệt trong các KCN, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, cho biết, các lực lượng chức năng của tỉnh luôn chủ động trong các kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất lớn, cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Với mục tiêu là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nên việc kiểm tra, xử lý các quy định của pháp luật về môi trường chủ yếu tập trung vào những sai phạm lớn, công khai các cơ sở bị xử lý sai phạm.
Tìm hiểu thực tế tại KCN Đại An, được biết đây là KCN đầu tiên của cả nước có đặc thù là KCN nằm trong khu dân cư và khu dân cư trong KCN. Mọi hoạt động của các doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do vậy, vấn đề xử lý nước thải, rác thải cũng như giải quyết ô nhiễm môi trường được đặt lên hàng đầu. Với vị trí mặt trước của KCN là Quốc lộ 5 nhưng mặt sau là sông Sặt, con sông phục vụ nước cho đời sống của hơn 5.000 hộ dân thuộc 6 xã, phường nằm trong KCN nên vấn đề nước thải từ các nhà máy trong KCN được Ban quản lý đặc biệt quan tâm. Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại An, chủ đầu tư KCN Đại An, cho biết, Ban quản lý KCN Đại An đã đầu tư dây chuyền, công nghệ tương đối hiện đại để xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở cuối KCN với công suất xử lý 1.700m3/ngày đêm. Mặt khác, ở mỗi doanh nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải riêng và bắt buộc phải xử lý trước khi đưa vào hệ thống chung của KCN. Toàn bộ nước thải này sau khi được nhà máy của KCN xử lý, đạt chuẩn về yêu cầu mới được thải ra ngoài.
Bà Trương Tú Phương cũng khẳng định: Vấn đề cơ bản nhất ở các KCN là nhà đầu tư phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải thì không có chuyện ô nhiễm môi trường và ngược lại, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thì chỉ có thể do cố tình. Ban quản lý KCN Đại An thường xuyên kiểm tra gắt gao nước thải đầu ra ở mỗi doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động cũng có lúc gặp sự cố nhưng phải kịp thời khắc phục ngay. Doanh nghiệp vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, nhưng vi phạm lần 2 sẽ kiên quyết xử lý triệt để. Mặt khác, với các khách hàng ở thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu thì các bạn hàng luôn kiểm tra quy trình xử lý nước thải đạt chuẩn mới tiến hành mua sản phẩm.
Được biết, với đặc thù là KCN nằm trong khu dân cư, để các nhà máy hoạt động không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì ngay từ đầu, Ban quản lý KCN phải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Khi các doanh nghiệp muốn đầu tư, ngoài vốn, công nghệ... thì bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, rác thải đạt tiêu chuẩn sau đó mới thải vào hệ thống chung của KCN. Riêng với KCN Đại An, sau khi lựa chọn nhà đầu tư, Ban quản lý KCN đã tiến hành sắp xếp, chia làm 3 khu: Khu 1 được sắp xếp theo nguyện vọng của các doanh nghiệp. Khu 2 được phân làm 2 cụm gồm cụm dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao và cụm tiếp theo dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nhà máy sản xuất được sắp xếp ra rìa sông, tránh các hướng gió thổi về khu dân cư. Ban quản lý KCN cũng yêu cầu tất cả các nhà máy phải ký hợp đồng xử lý rác thải với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương. Riêng nước thải sản xuất, chất thải rắn phải được doanh nghiệp về môi trường thu gom và xử lý. Để cải thiện môi trường do khí thải từ các nhà máy, Ban quản lý KCN Đại An yêu cầu các doanh nghiệp phải trồng cây xanh. Hằng tháng, hằng quý đều có tổ kiểm tra của Ban quản lý đến kiểm tra nghiêm ngặt.
Với đặc thù như trên, KCN Đại An đã gắn bó với khu dân cư trong vùng như một quần thể lớn, có tác động qua lại lẫn nhau. Địa phương được Ban quản lý KCN đầu tư hạ tầng về giao thông, đèn chiếu sáng. Người dân địa phương được làm việc tại các nhà máy trong KCN với thu nhập ổn định. Khi có KCN Đại An, một số xã đã đạt đủ các tiêu chí phát triển lên phường, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Ban quản lý KCN Đại An cũng đã mạnh tay xử lý những doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích môi trường, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bài và ảnh: MINH MẠNH