Người chăn nuôi gặp khó
"Hết dịch tả lợn châu Phi, rồi đại dịch Covid-19, giá TACN tăng trong khi giá lợn hơi thương phẩm vẫn giậm chân tại chỗ chẳng khác nào cú đánh bồi đối với người chăn nuôi", anh Hoàng Văn Đáng, hộ chăn nuôi trang trại ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước than thở.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Giá nguyên liệu TACN tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá TACN thành phẩm tăng 18-22%. Mặc dù giá lợn giống đã hạ từ 2,6 triệu đồng xuống 1,2 triệu đồng/con, nhưng việc tăng chi phí TACN đã làm cho lợi nhuận của người nuôi lợn giảm mạnh, nhiều hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ. Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022, trong khi sản xuất TACN trong nước vẫn phụ thuộc chính vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
 |
Một nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Nghệ An. |
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chi phí TACN hiện chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Tại Việt Nam, tỷ trọng TACN công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) hiện chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu TACN của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.
Nước ta có 269 cơ sở sản xuất TACN (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở). Sản lượng TACN công nghiệp cả nước năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn (doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% sản lượng). TACN cho lợn chiếm 55,8%, gia cầm chiếm 40,4%, vật nuôi khác 3,8%... Theo các chuyên gia về chăn nuôi, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất TACN, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại (20,3 triệu tấn) vẫn phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, khi giá nguyên liệu TACN trên thế giới tăng (do giá trên thị trường, chi phí vận chuyển, xung đột vũ trang, thiên tai) thì ngay lập tức giá thành TACN buộc phải tăng theo.
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp
Theo các chuyên gia về chăn nuôi, việc thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu của ngành chăn nuôi trong ngắn hạn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đề xuất, thời gian tới, ngành chăn nuôi trong nước cần nghiên cứu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành TACN, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Ông dẫn chứng về ứng dụng ruồi lính đen vào làm TACN nhưng đang vướng các quy định về văn bản pháp lý. Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh TACN do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Long An, An Giang, Tiền Giang... kiến nghị tuyên truyền cho nông dân chăn nuôi giảm sử dụng thức ăn công nghiệp, thay thế một phần bằng những phụ phẩm sẵn có ở địa phương, như bã bia, bã bột dừa, bèo rau, cám gạo...
Với sản lượng thủy sản chế biến đạt 8,7 triệu tấn/năm, ngành chế biến thủy sản nước ta cung cấp hơn 1 triệu tấn phụ phẩm, chủ yếu là đầu, xương, đuôi, nội tạng cá; đầu, vỏ tôm... Các loại phụ phẩm này có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất TACN giàu đạm. Ngoài ra, nguồn phụ phẩm từ trồng trọt (cám từ xay xát lúa, rơm rạ, thân cây ngô sau khi thu hoạch...) nếu khai thác, xử lý tốt có thể làm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, đặc biệt là TACN cho gia súc.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương đều cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP...), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4...) để cung cấp cho nhà máy chế biến TACN, giảm nhập khẩu loại nguyên liệu này. Chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây TACN, tổ chức trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã. Tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất TACN với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám chế biến TACN.
Về mặt chính sách, đề nghị Nhà nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logistics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu TACN.
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, để hỗ trợ ngành chăn nuôi ở nước ta phát triển cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ việc tận dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi thủy sản để sản xuất, chế biến TACN. Khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học-công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý để giảm chi phí sản xuất TACN, cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM