Lao đao vì giá vật tư tăng cao
Vụ Đông Xuân phía Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức không chỉ là câu chuyện về hạn mặn, biến đổi khí hậu mà chính dịch Covid-19 đã đặt người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long một bài toán nan giải với những điều kiện sản xuất khó khăn, chi phí vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ,…) tăng cao.
Do đó, để giảm chi phí sản xuất, kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn đàn Kết nối nông sản 970 vào ngày 13-11.
Tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: Trong cơ cấu chi phí sản xuất lúa gạo, chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm gần 50%.
Với diện tích gieo sạ dự kiến, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ cần khoảng hơn 160.000 tấn lúa giống. Về phân bón, dự tính nhu cầu phân URE hơn 300.000 tấn, 560.000 tấn lân, 77.000 tấn Kali cộng với hơn 450.000 tấn phân hỗn hợp.
Trong những năm trước, vụ Đông Xuân luôn là vụ sản xuất có sản lượng cao nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay đối mặt với tình trạng giá vật tư đầu vào tăng cao khiến cả nông dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.
Có cùng quan điểm, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tại tỉnh Kiên Giang, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 30 - 40% so với vụ trước, trong khi giá bán lúa không tăng. Giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng. Trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg.
 |
Giá vật tư tăng cao khiến cho người nông dân gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN |
Lý giải về lý do giá vật tư tăng cao, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân bón, ngay cả với Bình Điền thì việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn.
Giá nguyên liệu phân URÊ trên thị trường thế giới hiện đã lên trên 1.000 USD/tấn, như vậy, một bao 50kg tương đương với hơn 1 triệu đồng, các loại khác như phân SA hay phân KCL cũng ở mức rất cao.
“Giá nguyên liệu phân bón tăng cao là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên hầu như không thể can thiệp để giảm giá”, ông Phan Văn Tâm khẳng định.
Giảm bớt nỗi lo vật tư đầu vào
Tình trạng vật tư đầu vào tăng cao như hiện nay đã khiến cho nhà nông vốn đã khó khăn lại khó khăn thêm, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 cả trong sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản.
Chia sẻ về cách làm để giảm bớt áp lực giá vật tư đầu vào tăng cao cho bà con nông dân, đại diện Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) Nguyễn Hữu Tho cho biết: Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai ba mô hình sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết tiêu thụ; sản xuất theo hình thức truyền thống (có hỗ trợ); mô hình bao lợi nhuận.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tho, trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tập đoàn sẽ mở rộng mô hình bao lợi nhuận tại các tỉnh Ðồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ... với diện tích khoảng 30.000 ha. Với mô hình này, tập đoàn bao toàn bộ chi phí đầu vào sản xuất cho người dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...).
Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, người dân sẽ ký thỏa thuận với tập đoàn mức năng suất và mức lợi nhuận cố định. Nếu sản xuất tốt, năng suất thu được cao hơn mức cam kết thì người dân sẽ được hưởng thêm phần tăng lên đó, tạo động lực rất lớn để tiếp tục chăm lo đồng ruộng. Tập đoàn cam kết sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp trong cả năm 2021 để chung tay cùng người dân sản xuất và tiêu thụ lúa hiệu quả nhất.
Còn theo ông Phan Văn Tâm, giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó.
“Từ những dự báo này chúng ta sẽ đưa là được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào”, ông Phan Văn Tâm khẳng định.
 |
Cần bình ổn giá vật tư sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong khi đó, để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào.
Trong đó, đối với phân bón, đã thanh tra, kiểm tra hơn 700 cơ sở kinh doanh. Theo đó, 61 cơ sở đã bị xử lý, 92 mẫu được lấy phân tích để bảo đảm chất lượng vật tư đầu vào.
Cùng với đó, trước tình trạng giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý, tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất.
Còn theo ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, muốn giảm được một phần chi phí đầu vào, cần tạo điều kiện để hợp tác xã có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp trực tiếp từ nhà máy sản xuất, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân.
Mặt khác để giảm chi phí sản xuất vụ Đông Xuân, bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra giải pháp thay thế phân bón hóa học thông qua việc dùng men vi sinh xử lý rơm rạ.
Bà Bùi Thị Hồng Hà cho biết: Nếu nông dân để lại 100% rơm rạ tại ruộng và sạ thưa hơn thì có khả năng giảm được 50% lượng phân bón hóa học cần sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 30 - 50%, một số vùng có thói quen dùng đến chín lần thuốc/vụ lúa đã cắt giảm chỉ còn hai đến ba lần phun. Ðiều này vừa tránh lãng phí nguồn rơm rạ, vừa giảm áp lực lệ thuộc vào phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.
TRẦN YẾN