Trái ngược với người dân trồng quất ở Quảng Bá, Phú Thượng, Nhật Tân (Hà Nội) vui mừng vì quất năm nay “trúng” lớn, người dân trồng quất ở Văn Giang (Hưng Yên) lại đau lòng vì mất trắng do đợt mưa đá vào giữa tháng 11-2006. Chúng tôi đã về các địa phương trên để tìm hiểu, phần nào đưa ra dự báo về thị trường quất năm nay ở Hà Nội với bạn đọc.
Trở lại Văn Giang (Hưng Yên), một vùng đất nổi tiếng với các loại cây, hoa cảnh cung cấp cho thị trường ngày Tết vào một ngày đầu tháng 12 âm lịch. Khác với những dự đoán của chúng tôi về một Văn Giang với những cánh đồng quất vàng rộm, bạt ngàn, nhộn nhịp người mua kẻ bán xen lẫn tiếng nói cười, rạng rỡ của những người nông dân đến mùa thu hoạch... là bầu không khí ảm đạm. Dưới ruộng chẳng có ai, quất thì vẫn còn đó nhưng lèo tèo vài ba quả, xanh chín nham nhở, buồn bã. Đi mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được bác Đỗ Trọng Đại (thôn Công Luận 1, thị trấn Văn Giang) đang lúi húi xới lại đất cho vườn cây cảnh nhà mình. Gia đình bác Đại sở hữu 1 sào cau cảnh, 1 sào dừa cảnh và 2 sào quất cảnh bán Tết. Thế nhưng cũng như nhiều gia đình khác ở Văn Giang năm nay mất Tết. "Bởi sau đợt lốc kèm mưa đá trải rộng trên nhiều vùng, diễn ra ngày 20-11 đã gần như phá hỏng toàn bộ. Nhiều diện tích cây cảnh, trong đó có cam, quất không một cơ may cứu vãn. Cây cảnh thì bị te tua lá, sứt sẹo như chuột gặm ở thân, đem bán cũng chẳng ai mua. Cây cũng như con người vậy khi đã què quặt, bệnh tật thì sinh trưởng kém. Tôi đang cố chăm bón, chẳng biết có kịp cho vụ năm sau không"-bác Đại cho biết.
Cũng như bác Đại, 1,5 mẫu vườn trồng cam đường ngày Tết của gia đình cựu chiến binh Chử Văn Ngó, thôn Công Luận 2, thị trấn Văn Giang mỗi cây chỉ còn vài ba quả. Được biết, vườn cam nhà bác là một trong những mô hình mẫu để mọi người tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Thiệt hại này làm cho khoản nợ 50 triệu đồng vay ngân hàng và người nhà cùng bao dự định của gia đình bác cũng đi tong. Bác Ngó chua xót nói: "Dự định được mùa cho con trai đi Hàn Quốc nhưng bây giờ ở nhà cho đi cuốc không đi hàn nữa!". Vợ bác Ngó tâm sự: "Đã 2 tháng qua nên sự việc cũng nguôi ngoai, chứ ngày đầu vợ chồng buồn quá mất ăn mất ngủ mấy ngày. Hàng xóm gặp nhau cũng chẳng ai chào, ai nói với ai câu nào vì nói ra là chỉ chực khóc".
Tìm hiểu ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang chúng tôi được biết, đây cũng là một trong những xã bị thiệt hại nặng do cơn lốc. Cả xã có 2.000 hộ dân trồng quất, cam thì nay chỉ còn khoảng chục hộ là có cây để thu hoạch vớt vát. "Có nhà trước đây thu được 100 triệu đồng nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng, nhưng như thế cũng là may rồi. Còn lại hầu như đều phải tháo cây ra để chăm bón lại từ đầu. Như mọi năm hàng đẹp là mua bán trao tay ngay tại vườn thì năm nay 30 Tết họ mới trả tiền cây nào bán được, cây nào ế thì họ đem trả. Giá thì cũng chỉ bằng 1/3 lúc chưa bị mưa đá vì quả rụng nhiều, lá thưa thớt nên mình đành chấp nhận thôi còn hơn không được đồng nào...”-anh Đinh Văn Sơn, người xã Liên Nghĩa nói.
Khác với Văn Giang, người dân trồng quất ở Phú Thượng, Hà Nội lại vui mừng vì năm nay được mùa quất. Những cây quất mỡ màng, quả đều đẹp đang được các nghệ nhân gò cây, tạo dáng, hoàn tất công đoạn cuối. Chị Lê Thị Duyên, chủ của 5 sào quất Phú Thượng hồ hởi nói với chúng tôi: “Lạy giời, năm nay quất ở đây được mùa. Có rất nhiều người đến hỏi mua, thấy được giá nên tôi đổ buôn hết, không để bán lẻ cây nào". Anh Nguyễn Văn Ba, chủ của 2 sào đào phai và 1 sào đào thế thì dự báo: "Dù năm nay ngoài thị trường có nhiều loại hoa giả trông rất bắt mắt nhưng không vì thế đào, mai mất giá mà có phần còn nhích lên từ 20 đến 30% so với năm ngoái. Đào thế loại khá năm nay cũng khoảng 15 triệu đồng/đôi. Dịch vụ cho thuê đào cổ cho cả dịp Tết ở các cơ quan, công ty, nhà hàng, khách sạn cũng cao hơn năm ngoái, trung bình khoảng 2 triệu đồng/cây, cao nhất hơn 10 triệu đồng/cây". Niềm vui của hai gia đình trên cũng là niềm vui của hàng trăm gia đình ở Phú Thượng hôm nay. Lý giải cho dự báo tăng giá của thị trường cây, hoa cảnh ngày Tết sắp tới, một chuyên gia giá cả, thị trường cho biết, cùng với lý do một số nơi mất mùa vì đợt lốc kèm mưa đá dẫn đến tình trạng khan hàng thì giá thuê nhân công, phân bón tăng cũng đẩy giá lên cao. Vì vậy, cây, hoa cảnh ngày Tết năm nay có tăng cũng là đúng quy luật.
Không khí Tết đã bắt đầu trên những phố phường Hà Nội và có lẽ không khí Tết đến sớm nhất tại các chợ cây cảnh. Để chọn được loại cây trang trí Tết thay được cây đào, cây quất lại có ý nghĩa trong dịp Tết thật khó. Cây không chỉ xanh tươi mà còn phải có lộc, hoa, quả xanh, quả chín mới đáp ứng đủ những đòi hỏi của nhiều khách hàng khó tính. Nếu không tìm được bạn có thể mua cây cảnh như Trúc quân tử, chuối Nhật, Đỗ Quyên, cau lùn cũng có những nét riêng, đáng yêu và vẫn mang về một không khí ngập đầy hương vị Tết cho ngôi nhà ấm cúng của gia đình bạn.
THU ANH, KIM DUNG