Đó là nhấn mạnh của ông Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 vừa qua; đồng thời khẳng định một năm đạt được những kết quả toàn diện trên mọi mặt hoạt động của ngân hàng khi đưa đồng vốn tín dụng chính sách đến với từng hộ chính sách, mỗi người nghèo.

Nguồn vốn phát huy tác dụng cả diện rộng và chiều sâu 

Theo ông Dương Quyết Thắng, tính đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đạt hơn 147 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10,4 nghìn tỷ đồng so với năm 2014; tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 142 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13 nghìn tỷ đồng so với thực hiện năm 2014, với gần 6,9 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, hoàn thành 99,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Doanh số cho vay đạt xấp xỉ 49,2 nghìn tỷ đồng, bằng 124% so với doanh số cho vay năm 2014, tạo điều kiện cho hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; góp phần giúp hơn 400 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 173 nghìn lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, 2,4 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 103 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn (lần đầu) học tập trong năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn chính sách đã thực hiện xây dựng hơn 1.349.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; trên 5,3 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung và gần 2,5 nghìn căn nhà vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long… Ngoài ra, các khoản nợ quá hạn, nợ khoanh giảm còn 0,78%.

Đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên. 

Không chỉ vậy, Ngân hàng CSXH đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, kết thúc thắng lợi giai đoạn 5 năm (2011-2015). Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được ngân hàng triển khai thực hiện trong giai đoạn này đã giúp gần 11 triệu lượt khách hàng, trong đó giúp hơn 1,9 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giúp gần 1,2 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 5,1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn; 206 nghìn căn nhà và hơn 6.000 nhà chòi vượt lũ cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách... Chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Trại Cài 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: “Năm 2012, gia đình tôi vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH được 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn này, cộng với vốn tự có, gia đình đã đầu tư vào trồng chè. Hiện nay với 3 sào chè, bình quân 1,3 tạ chè khô/tháng, trừ các khoản chi phí, thu nhập đạt vào khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Nguồn vốn ưu đãi đã thực sự giúp gia đình tôi có thêm động lực để vươn lên làm ăn hiệu quả và không còn nghèo như trước kia nữa”.

Chặng đường phía trước

Năm 2016, Ngân hàng CSXH đặt ra các giải pháp đồng bộ, tích cực huy động, khai thác các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, bảo đảm hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng 8% so với năm 2015 (tương đương khoảng 10.250 tỷ đồng). Trong đó, ưu tiên cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo… Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Tấn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trại Cài 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên), Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý hiện có 53 tổ viên, dư nợ cho vay 930 triệu đồng. Trong đó, có nhiều hộ được vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và sử dụng vốn vay khá hiệu quả. Nhờ vốn vay mà bà con nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững trên vùng đất khó. Nhưng trên thực tế, mức cho vay hiện nay đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân miền núi tối đa được vay 30 triệu đồng là chưa đáp ứng được nhu cầu. Để đáp ứng được, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ nên nghiên cứu nâng mức cho vay của chương trình, có như vậy bà con đầu tư vào sản xuất sẽ tập trung hơn.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH sẽ chú trọng triển khai các chương trình tín dụng mới và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan rà soát, điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường công tác đối chiếu, phân tích nợ, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ… Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định, Ngân hàng CSXH đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, tốt đẹp trên con đường xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên khắp đất nước được tiếp cận với đồng vốn chính sách để ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu chính đáng. Những kết quả đạt được trong suốt 13 năm qua đã xây dựng được nền tảng vững chắc, tạo khí thế mới, động lực mới giúp Ngân hàng CSXH tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG