Thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu 

Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng ngay từ đầu năm và đến cuối năm tăng 13,61% so với cuối năm 2020; đến ngày 23-3-2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.

Lấy điển hình đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, NHNN Việt Nam đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng (TCTD) để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, tín dụng có mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%). Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank).  Ảnh: NGUYỄN NHỊ 

Đồng chí  Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Ông Đỗ Trọng Hưng cũng đề xuất NHNN Việt Nam một số nội dung về việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu, điều chỉnh sửa đổi một số thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN Việt Nam đến ngày 30-6-2023 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Các ngân hàng thương mại đã sớm vào cuộc, tập trung triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua việc cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi cho vay, phí dịch vụ, tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những dự án khả thi, nhu cầu vốn lưu động để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, chất lượng là mục tiêu cho sự phát triển ổn định, lâu dài. Lãnh đạo các ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tốt những biện pháp hỗ trợ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng ghi nhận việc NHNN Việt Nam, các TCTD thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ, giảm phí, giảm lãi suất đã giúp đỡ cho doanh nghiệp rất thiết thực. Thời gian tới, các doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, xem xét cho vay vốn bổ sung bù đắp chi phí phụ trội, xem xét tăng hạn mức cấp tín dụng, xem xét cho vay tín chấp, tiếp tục giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh chóng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

NGUYỄN ANH VIỆT