QĐND Online – “Việc luôn gặp gỡ với các doanh nghiệp, học hỏi từ họ và tập giải quyết những vấn đề khúc mắc trong kinh doanh của họ dựa trên kiến thức đã học khiến bạn phát triển tư duy, thành lập những mối quan hệ quốc tế. Với việc phát triển các kỹ năng như trình bày trước công chúng, khả năng tiếng Anh, tôi hoàn toàn tự tin trước các cơ hội việc làm…”, Hoàng Liên, cựu sinh viên Trường Kinh doanh Niels Brock (Đan Mạch) chia sẻ cảm nghĩ về chương trình đào tạo mà cô đã theo học. Câu chuyện của Liên cũng chính là mục tiêu mà chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Kinh doanh Niels Brock (Đan Mạch) và Đại học Ngoại thương Hà Nội hướng tới.

Sinh viên chương trình liên kết đào tạo của hai trường tự tin thể hiện mình trước nhà tuyển dụng nước ngoài

 

Giáo dục là lĩnh vực tiên phong

Chương trình liên kết đào tạo giữa hai trường là hành động cụ thể trong trong thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, hai Bộ GD Đan Mạch và Bộ GD-ĐT Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2014, sau 4 năm tiến hành triển khai, hơn 30 sinh viên của khóa hợp tác đầu tiên đã chuẩn bị tốt nghiệp.

Với vai trò là trường ĐH đầu tiên trong cả nước có quan hệ hợp tác giáo dục với Đan Mạch, GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đánh giá: Đây là chương trình liên kết đặc biệt bởi Chính phủ Đan Mạch, cũng như Đại sứ quán Đan Mạch rất quan tâm ủng hộ đến chương trình này. Việc Đan Mạch cử giáo viên sang Việt Nam trực tiếp tham gia giảng dạy với thời lượng chiếm khoảng 30% là điểm khác biệt so với hơn 20 chương trình liên kết đào tạo nước ngoài mà trường đang thực hiện, khiến chất lượng chương trình tăng lên.

Với mô hình 3+1 (3 kỳ học trong nước và 1 kỳ học ở nước ngoài) và mức học phí khoảng 300 triệu đồng, sinh viên được hưởng môi trường đào tạo quốc tế và có cơ hội hưởng học bổng do trường đối tác cấp. Bên cạnh đó, nhà trường có thể học được công nghệ, phương pháp giảng dạy hiện đại của đối tác nước ngoài, thông qua đó có thể đổi mới chương trình đào tạo, áp dụng những chương trình đào tạo nước ngoài vào Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Châu cho hay.

Trường Niels Brock là một trong những tổ chức giáo dục lớn nhất của Đan Mạch, mỗi năm đào tạo hơn 20.000 sinh viên trong nước và hơn 1.500 sinh viên trên toàn thế giới; đã được Hội đồng kiểm định các trường cao đẳng độc lập (ACICS) - một trong những hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục cấp quốc gia có uy tín và lâu đời nhất ở Hoa Kỳ chứng nhận.

Bà Jytte Mansfeld, Phó Hiệu trưởng Trường kinh doanh Niels Brock chia sẻ: Với hơn 130 năm kinh nghiệm giảng dạy về kinh doanh và thương mại, kể từ khi bắt đầu, cách giảng dạy theo “kiểu Scandinavia” đã được biết đến là tập trung chủ yếu vào sự tự lập của sinh viên. Sinh viên thường xuyên được gặp gỡ với các đại diện của các công ty, thảo luận, nghe những lời khuyên bổ ích về kinh doanh, cũng như tập giải quyết các khúc mắc trong kinh doanh của các công ty này, dựa trên lý thuyết mà họ đã được học trên lớp. Sinh viên Niels Brock được học cách tích hợp thế giới thực vào việc học và ngược lại, để kiến thức của họ vẫn ứng dụng được vào với môi trường kinh doanh sau này.

Đỗ Anh Quân, sinh viên năm cuối đánh giá: Việc học ở đây khá đặc biệt, sinh viên được dạy không nên tin vào điều gì đó quá dễ dàng, có nghĩa mình sẽ phải nhìn vào mặt hạn chế của một lý thuyết. Khi mình phải làm các bài tập theo một cách khác, điều đó giúp mình hiểu được rằng có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề thay vì chỉ áp dụng một phương pháp. Về cơ bản đó là sự độc lập, sinh viên phải đọc rất nhiều trước khi lên lớp và ở đó là sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên.

Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Là người khởi xướng ý tưởng tổ chức hội chợ việc làm ngay tại nhà mình cho những sinh viên sắp ra trường có cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ: “Nhiều nhà đầu tư Đan Mạch phàn nàn với tôi rằng họ rất khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Dù Việt Nam có hệ thống giáo dục khá tốt nhưng đang thiếu sự cập nhật để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay. Do đó, việc liên kết giáo dục giữa hai nước càng trở nên quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác ra thế giới”.

Với việc học hoàn toàn bằng tiếng Anh, cách tiếp cận kiến thức dựa trên việc giải quyết những vấn đề từ thực tế và bài thi được gửi sang nước ngoài chấm; cùng với những trải nghiệm thú vị về nền văn hóa, cách suy nghĩ, cách làm việc trong môi trường học quốc tế, bạn Cao Thị Huyền, sinh viên năm thứ 4, cho rằng sinh viên Việt Nam hoàn toàn đủ tự tin khi tham gia hội chợ việc làm đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm thứ 2 cho rằng tham gia chương trình 3+1 cũng đồng nghĩa với việc được du học tại chỗ. Đây thực sự là cơ hội rất tốt cho sinh viên Việt Nam muốn học tập trong môi trường quốc tế bởi để giành được suất học bổng Châu Âu không phải là điều dễ dàng với nhiều sinh viên.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến tìm việc làm trở nên khó khăn, hội chợ việc làm mà Chính phủ Đan Mạch tổ chức đã mở ra sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, mở ra cơ hội không chỉ việc làm mà còn hướng tới mời doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo, điều đó làm gắn kết khăng khít thực hành cho sinh viên, GS.TS Hoàng Văn Châu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THU HÀ