Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 |
Thứ trưởng Bùi Thế Duy. |
Phóng viên (PV): Trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu bản đồ số đóng vai trò như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (IoT)… Trong đó, dữ liệu bản đồ số là một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, dữ liệu bản đồ càng đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với những ứng dụng liên quan đến tìm kiếm thông tin, đường, địa chỉ trên toàn quốc. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã sử dụng dữ liệu bản đồ số của nước ngoài, như: Google Maps để tìm đường, dữ liệu này có hạn chế là nhiều địa điểm tại Việt Nam không được chỉ chính xác đến từng số nhà, ngõ, ngách; thậm chí có những địa điểm trên bản đồ còn chỉ sai. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu của riêng mình, vừa bảo đảm phục vụ yêu cầu trong việc quản lý Nhà, vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Dữ liệu này là cơ sở để các doanh nghiệp tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: Giáo dục, văn hóa, du lịch, giao thông…
 |
Nhân viên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thu thập dữ liệu địa chỉ trên đường Lê Duẩn, phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
PV: Việc triển khai Dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” đã được thực hiện đến đâu và bằng phương pháp nào, thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Với kinh nghiệm thu thập dữ liệu trên toàn quốc trong nhiều lĩnh vực như: Thu thập dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, dữ liệu thông tin, hình ảnh về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; dữ liệu mã bưu chính quốc gia… Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì trong dự án, có vai trò thiết lập và bảo đảm hạ tầng cho hệ thống; xây dựng phương án thu thập, rà soát dữ liệu… Ngoài ra, tổng công ty cũng phối hợp với Trung ương Đoàn và Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng và triển khai dự án này.
Từ tháng 11-2018, hai địa phương đầu tiên được lựa chọn thí điểm triển khai là Phú Yên và Hậu Giang. Thông qua điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên bưu điện, đoàn viên, thanh niên đã thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên Bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn. Tính đến ngày 11-1, cả nước đã thu thập hơn 1.387.000 địa chỉ, trong đó, riêng tỉnh Phú Yên và Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu địa chỉ của toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh Phú Yên thu thập được 218.841 địa chỉ; Hậu Giang thu thập được 181.255 địa chỉ.
PV: Thưa ông, trong quá trình triển khai dự án gặp những khó khăn nào và biện pháp khắc phục là gì?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Khó khăn lớn trong việc triển khai dự án hiện nay là thời gian gấp gáp, mỗi địa phương phải hoàn thành việc thu thập dữ liệu trong vòng một tháng nên đòi hỏi rất nhiều lực lượng tham gia, trong khi đó, nhiều địa phương còn chưa nắm bắt được nội dung cụ thể của đề án. Ngoài ra, khi cán bộ, nhân viên bưu điện đi thu thập ở một số nơi, đặc biệt khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa của dự án này đã gây cản trở cho nhân viên làm nhiệm vụ.
Để đẩy nhanh việc hoàn thành dự án và bảo đảm chất lượng, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, như: Sở tài nguyên và môi trường, sở giao thông vận tải, cục thống kê… cung cấp cho bưu điện các bản đồ địa chính, bản đồ giao thông, số liệu dân cư… Trong trường hợp các địa phương có kế hoạch thay đổi tuyến phố, cấp đổi lại số nhà cũng cần cung cấp thông tin cho đơn vị triển khai để cập nhật dữ liệu. Từ kinh nghiệm đã triển khai tại một số tỉnh trong việc hỗ trợ lực lượng đi thu thập dữ liệu thông tin, địa chỉ, UBND các tỉnh nên xem xét hỗ trợ các cá nhân tham gia thu thập những chi phí cần thiết, như: Xăng xe, internet tốc độ cao… Đối với hai tỉnh Phú Yên và Hậu Giang cơ bản triển khai xong việc thu thập địa chỉ sẽ tiếp tục thí điểm việc vận hành và khai thác thông tin trên bản đồ số; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tự cập nhật các thông tin liên quan đến địa chỉ trên bản đồ, góp phần tạo nên hệ thống dữ liệu phong phú, đa dạng. Dự kiến đến quý II năm 2019, Bản đồ số Việt Nam có thể đi vào vận hành và khai thác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
LA DUY (thực hiện)