QĐND Online – Ngày 15-6, Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) (sửa đổi). Đánh giá cao vai trò của Luật Tố dụng dân sự, với quan điểm “Bộ luật Dân sự dù tốt đến mấy cũng thành bỏ đi nếu Bộ luật TTDS không tốt” các đại biểu đều cho rằng, cần nghiên cứu kỹ để có những quy định rõ ràng, hiệu quả, giải quyết được những tồn tại hiện nay…

Rút ngắn các thời hạn TTDS

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra một thực tế đó là: “Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm. Nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả, sống sa hoa và thách thức nạn nhân đi kiện, còn nói "để tôi chỉ chỗ cho đi kiện".

Các thời hạn xét xử của Bộ luật TTDS hiện hành từ nộp đơn, xem xét, thụ lý, bổ sung đơn, mời làm việc, hòa giải, phản tố, nhập án, tách án, đình chỉ, xét xử sơ thẩm, ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian, không có chế tài cho sự chậm trễ này.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nghĩa phân tích: Tục ngữ có câu "công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối". Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm, tố dụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động, nói chung là sự phát triển của đất nước bị chậm lại theo. Tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Trong số án tồn đọng chưa thi hành được có một loại án không thể thi hành cho bản án tuyên vô lý hoặc bỏ sót hoặc sai sót về kỹ thuật cho nên không thể thi hành được. Từ đó đại biểu Nghĩa cho rằng, dự thảo hiện nay tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng “vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn mà tôi vừa nêu”. Đại biểu kiến nghị: “Rút ngắn tất cả các thời hạn dành cho tòa án và cho các khâu của quá trình tố tụng xuống. Theo tôi là chỉ bằng một nửa như dự thảo. Còn án quá tải của các đô thị thì phải giải quyết bằng cách khác như là tăng biên chế và tăng cường như thế nào chứ không thể bằng cách kéo dài thời hạn”.

Đại biểu Nghĩa cho rằng, phải có quy định trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi không thi hành án được mà nguyên nhân là do việc xét xử và do nội dung bản án. Phải có quy định để ràng buộc trách nhiệm của tòa án đối với các bản án đã tuyên. Nhất là khi do thiếu sót, do nghiệp vụ kém, hay do tắc trách của thẩm phán mà án không thi hành được.

Đồng tình với đánh giá chung của đại biểu Nghĩa về thực tế thủ tục TTDS nhiêu khê, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp người dân, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị: “Cùng những đề xuất trong vấn đề rút ngắn thời hạn đại biểu Nghĩa nêu, tôi đề nghị, ngoài 6 nguyên tắc chỉ đạo trong luật này, nên làm rõ và tuân thủ một nguyên tắc, tuy không ghi trong luật, nhưng chế định các điều khoản phải tuân thủ, đó là tuân thủ nguyên tắc 2 cấp xét xử. Đừng biến những thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử. Tòa án nhân dân tối cao không phải cấp xét xử thứ 3 vụ án kéo dài không có đường cùng, điểm dừng. Tôi đề nghị nguyên tắc này chặt chẽ hơn trong Bộ luật này”.

Vai trò của viện kiểm sát trong TTDS

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến về nội dung vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong TTDS, sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự và đồng tình với phương án 2 của dự thảo. Để giải thích cho sự lựa chọn của mình, đại biểu Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) phân tích: Sự tham gia của Viện kiểm sát trong TTDS là rất quan trọng, nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Đảm bảo quyền, lợi ích của các bên đương sự, đồng thời thể hiện quan hệ phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giúp cho việc xét xử vụ án được khách quan, đúng pháp luật.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An) giải thích thêm: “Việc có mặt của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa hay phiên họp dân sự nhằm đảm bảo hoạt động kiểm sát được thực hiện một cách toàn diện. Đảm bảo được chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát. Nếu theo phương án 1 thì quyền thực hiện hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát bị giới hạn, qua đó chưa phát huy hoàn toàn bản chất của chức năng kiểm sát”.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh: Theo yêu cầu của cải cách tư pháp thì hoạt động xét xử tại phiên tòa, phiên họp là trọng tâm của hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự, việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, phiên họp. Do đó, nếu Viện kiểm sát nhân dân không tham gia phiên tòa, phiên họp thì sẽ không thể thực hiện tốt được quyền kiểm sát của mình. Tuy nhiên, đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) lại tán thành với phương án 1 vì cho rằng: Trong TTDS cũng phải giữ vững nguyên tắc là các đương sự có quyền thỏa thuận, định đoạt và đương sự có quyền thỏa thuận, kể cả khi mở phiên tòa xét xử vẫn có quyền tự thỏa thuận. Ở các phiên tòa sơ thẩm, chưa xét xử, kiểm sát viên đã có ý kiến đề xuất xét xử là không đúng, chỉ nên có ý kiến đề xuất sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm.

XUÂN DŨNG