QĐND - Việc cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang đã và đang phát huy tác dụng. Đồng bào các dân tộc anh em ở 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc thực sự phấn khởi và yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ rừng, giữ đất…
Cấp phát hơn 12 nghìn tấn gạo
Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008-2015 tại 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20-1-2009, với tổng kinh phí 377,07 tỷ đồng và hỗ trợ lương thực 12.896 tấn gạo từ nguồn DTQG. Thời gian thực hiện dự án là 8 năm (từ năm 2008 đến hết năm 2015). Vùng dự án gồm 68 xã, thị trấn. Đối tượng hỗ trợ gạo áp dụng đối với các hộ gia đình, nhóm hộ tự nguyện đề nghị xin bảo vệ và khoanh nuôi rừng thuộc dự án. Mức hỗ trợ bình quân 10kg gạo/ha/năm; cơ sở tính toán là 15ha rừng tương ứng 5 người bảo vệ, mỗi người được hỗ trợ 10kg gạo/tháng và hỗ trợ 3 tháng/năm.
Ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN)-Bộ Tài chính, cho biết: Tổng số gạo hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 12.869 tấn; đến hết năm 2015, tổng cục đã triển khai xuất cấp đủ số lượng gạo DTQG cho địa phương theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của UBND tỉnh. Việc xuất cấp này được triển khai thành hai đợt/năm (đợt 1 vào khoảng tháng 4 và tháng 5; đợt 2 vào khoảng tháng 11, 12 hằng năm).
 |
Niềm vui của người dân khi nhận gạo dự án.
|
Vui mừng khi được nhận số gạo Nhà nước hỗ trợ, anh Nùng Na, dân tộc Nùng, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tâm sự: "Gần chục năm qua, nhờ tham gia dự án mà cuộc sống của gia đình tôi no ấm hơn. Vào những tháng giáp hạt, gia đình tôi lại có gạo của Nhà nước gửi tới nên không còn lo thiếu đói. Nhà nước không chỉ lo việc làm cho người dân chúng tôi mà còn cho chúng tôi cả cái ăn…"
Hiệu quả từ nguồn lực DTQG
Được biết, để những cân gạo nghĩa tình được giao tận tay người dân, những cán bộ dự trữ Nhà nước đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Với họ, đây là vinh dự, trách nhiệm nên ai cũng vui vẻ nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ hiểu rằng, việc hỗ trợ gạo giúp nhân dân địa phương không chỉ có lương thực đủ ăn mà còn góp phần làm thay đổi tập quán chỉ biết dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang biết trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên. Ngoài ra, việc hỗ trợ gạo còn thu hút các hộ gia đình trên địa bàn tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn... Quan trọng hơn là hiệu quả về an ninh, quốc phòng, dự án đã tạo vành đai xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên.
Qua 8 năm thực hiện dự án, toàn tỉnh Hà Giang đã có hơn 50 nghìn hộ dân ở 4 huyện vùng núi đá Hà Giang nhận khoán bảo vệ hơn 82.700ha, khoanh nuôi tái sinh hơn 28.400ha, trồng mới hơn 17.000ha rừng. Đây là động lực để người dân Hà Giang tiếp tục bám đất, bám rừng, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc. Từ kết quả này, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng tại 6 huyện vùng cao tỉnh Hà Giang (bổ sung 2 huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần so với Dự án giai đoạn 2008-2015), trong đó tổng mức đầu tư gồm: Tổng nhu cầu vốn của dự án khoảng hơn 700 tỷ đồng; tổng số gạo hỗ trợ cho các hộ khoanh nuôi, bảo vệ rừng là 17.024 tấn. Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Tài chính đã có ý kiến thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hà Giang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định.
Bài và ảnh: ĐỨC TOÀN – HỒNG SÂM