Đặc biệt, nếu nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, thì dòng khí từ biển khơi không chỉ giúp đưa đất nước vượt qua khủng hoảng mà ngày hôm nay đang tiếp tục làm đổi thay diện mạo đất nước…

Bức ảnh và chặng đường lịch sử

Qua email, Ban Truyền thông gửi cho chúng tôi bài viết với nội dung nhẹ nhàng, có phần khiêm tốn khi nói về những thành tích của đơn vị nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập. Nhưng có một hình ảnh khiến tôi chú ý và tìm hiểu khá lâu: Hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt chứng kiến buổi lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995!

Hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón Dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995.

Ôn cố để tri tân! PV GAS hẳn “ăn quả nhớ người trồng cây” khi gửi đến các cơ quan báo chí hình ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bởi phía sau bức ảnh là cả một chặng đường gian khổ xen lẫn vinh quang, khẳng định tư duy và khát vọng đổi mới. Không có ngày hôm nay nếu không có những khát vọng lớn và những nhà lãnh đạo với tư tưởng lớn, tầm nhìn xa.

Cách đây tròn 5 năm, tôi tình cờ có một chuyến công tác cùng đoàn nhà báo đến tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị tiêu biểu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Khi đến PV GAS, anh Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giới thiệu: Đây là đơn vị tuy chỉ là một tổng công ty nhưng nội hàm hoạt động bao trùm cả một ngành công nghiệp khí Việt Nam!

Sau này, trong bài báo “Luồng sinh khí biển làm đổi thay cực Nam Tổ quốc” trong loạt phóng sự 5 kỳ viết về Tập đoàn dầu khí, sau khi tìm hiểu kỹ về PV GAS, tôi đã nhắc đến những con số chứng minh cho điều anh Dũng nói. Bài báo có đoạn:

“Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS)-nơi hằng năm những dòng khí chuyển về đất liền đóng góp 2% GDP cho đất nước. Dòng khí mang về từ biển khơi hiện cung cấp 30 - 35% sản lượng điện quốc gia và 70% nhu cầu phân đạm toàn quốc, 70% khí ga hóa lỏng LPG cùng hàng loạt sản phẩm khác, mang về doanh thu hơn 3,5 tỷ USD mỗi năm, nộp ngân sách Nhà nước gần 51.000 tỷ đồng; hằng năm đóng góp khoảng 10% doanh thu toàn tập đoàn và hơn 2% GDP cả nước…”.

5 năm nhìn lại, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành dầu khí toàn cầu gặp khó, nhưng những con số ấy giờ đây vẫn có sự phát triển mới:  Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu sản xuất 20% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, 60% thị phần LPG toàn quốc. Đặc biệt, PV GAS luôn khẳng định vai trò trên thị trường quốc tế trong xuất nhập khẩu và kinh doanh LPG. Đặc biệt, PV GAS đã hình thành và phát triển hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh gồm 5 hệ thống khí với trên 1.200 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG công suất gần 100 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí trên toàn quốc …

Nhưng ít ai biết rằng con đường đi đến những con số lớn lao ấy không hề đơn giản.

Trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới, không phải nước nào cũng khai thác được loại khí này mà người ta thường đốt bỏ, có nước đốt bỏ tới 75%.

Ở nước ta, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác vào mùa hè năm 1986 nhưng khí đồng hành thì vẫn bị đốt bỏ ngay tại giàn khoan. Khi ấy, hình ảnh những ngọn lửa rực sáng trên các giàn khoan trong đêm từng là niềm tự hào về nền công nghiệp dầu khí nhưng lại là nỗi trăn trở của những người trong ngành.

 “Đoàn kết - Đổi mới - Chuyên nghiệp - Hành động” – khẩu hiệu quyết tâm phát triển của PV GAS.

Hình ảnh sinh động của tư duy và khát vọng đổi mới Việt Nam

Tại Bảo tàng Dầu khí Việt Nam ở Hà Nội hiện còn lưu giữ một văn bản đánh máy rô-nê-ô đã úa màu thời gian. Đó là bản Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị ra đời chỉ 2 năm sau khi tìm ra dầu đã chỉ đạo khai thác khí. Nghị quyết  nhấn mạnh: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

Từ năm 1993, dự án sớm đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ đã được triển khai. Ngày 17-4-1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã về tới trạm phân phối khí Bà Rịa và đến ngày 26-4-1995, Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia. Tiếp đó là dự án nâng mức cung cấp lên 2 triệu mét khối khí/ngày để bảo đảm nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ vận hành năm 1997. Để đưa khí vào bờ, tổng vốn đầu tư lên đến 600 triệu USD. Bỏ ra một số tiền “khủng” như vậy vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước thể hiện một tư duy đột phá.

Nhà báo Nguyễn Như Phong, người đã tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện này kể lại: Thời điểm lúc bấy giờ, chúng ta thiếu khí đốt nghiêm trọng và chưa có một nhà máy cơ sở công nghiệp nào lớn để sử dụng khí, mà chỉ là nhập khí hóa lỏng về để bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ, chủ yếu là cho nhân dân đun bếp gas. Đưa dòng khí vào bờ và xây dựng một nhà máy xử lý khí, sẽ giúp có khí hóa lỏng LPG và khí khô đưa vào chạy máy phát điện và làm phân đạm. Nếu làm được như vậy thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên nhiều lần nhưng nhiều người lo ngại, làm ra hàng trăm nghìn tấn gas mỗi năm rồi đổ đi đâu?

Công trình Kho LNG Thị Vải đang trong giai đoạn xây dựng.

Các nhà lãnh đạo khi ấy đã giải quyết bài toán khó bằng cách gặp người lãnh đạo cao nhất: Tổng Bí thư Đỗ Mười. Sau khi nghe trình bày, Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi điện cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mọi việc được triển khai với tinh thần cứ làm, nếu khí rẻ thì bán cho…dân! Ông Ngô Thường San, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam lúc bấy giờ sau này nhớ lại: Năm 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Liên doanh Vietsovpetro.

Khi đó, ông Ngô Thường San đã đề xuất phương án xây dựng nhà máy theo kiểu “cuốn gói”. Dầu thì bán ngoài khơi, còn khí đốt thì được đưa vào bờ, đưa về Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý. Sau này, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tiếp tục đề xuất xây dựng nhà máy nhiệt điện khí, rồi Nhà máy Đạm Phú Mỹ…dù qua nhiều khó khăn do không ít đơn vị, bộ, ngành ngăn cản quyết liệt vì muốn độc quyền. Chuyện đến tai Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng đã gọi ông Ngô Thường San yêu cầu báo cáo. Sau khi nghe, Thủ tướng quyết cho làm ngay…

Sau này ông Ngô Thường San tâm sự: “Nếu không có một vị Thủ tướng có tầm nhìn xa, quyết liệt trong điều hành và tin ở cấp dưới, thì sẽ không bao giờ có những nhà máy khí, điện khí, nhà máy phân đạm, thậm chí không có Lọc dầu Dung Quất!”.

Hôm nay, PV GAS kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trong bối cảnh ngành dầu khí toàn cầu gặp khó khăn. Đại dịch Covid-19 cũng gây ra nhiều khó khăn kép khác. Trong buổi lễ, ông Dương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc PV GAS có một phát biểu đáng suy ngẫm: PV GAS đã đi từ “không đến có”, đã biến nhiều điều “không thể thành có thể”; đã từ vị trí người làm thuê, người học việc đến tự chủ về mặt khoa học công nghệ, triển khai các dự án lớn, đưa ngành Công nghiệp Khí đến vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Việt Nam có nguồn tài nguyên khí đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 7 trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Tổng tiềm năng khí thiên nhiên có thể thu hồi vào khoảng 2.938 tỷ m3, tập trung chủ yếu ở các bể: Nam Côn Sơn, Malay- Thổ Chu, Cửu Long và Sông Hồng. Câu chuyện 30 năm nhìn lại không còn là chuyện kỷ niệm của một tổng công ty.  Tôi viết vội những dòng này không chỉ là lời chia sẻ chúc mừng mà sâu hơn, xa hơn chúng ta cần đánh giá đây chính là một dẫn chứng điển hình của một mô hình thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phía sau câu chuyện ấy, ngoài ý chí, khát vọng còn là những bài học của cách nghĩ, cách làm, cách vượt lên chính mình cần được nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ hơn nữa khi chúng ta đang hoạch định những bài toán vĩ mô trước thềm Đại hội XIII của Đảng, tìm ra những con đường mới vì sự phát triển bền vững của đất nước.

NGUYÊN MINH