Vải thiều được chăm sóc ở “vùng vải an toàn dịch bệnh”
Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó, vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải thiều chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ từ ngày 20-5 đến 10-6-2021; vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ ngày 10-6 đến 20-7. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của địa phương, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kịch bản để tiêu thụ vải thiều.
 |
Xử lý, khử trùng vải thiều Bắc Giang theo tiêu chuẩn trước khi đóng gói xuất khẩu sang Nhật Bản. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ban hành kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với nhiều biện pháp đồng bộ như: Đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều tập trung của huyện; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều; lập các tổ chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đối với người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung; kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế... “Có thể khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động bởi dịch Covid-19. Thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng”, ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh.
Tại hai “thủ phủ” vải của Bắc Giang là Lục Ngạn và Tân Yên, việc lập vùng an toàn để tiêu thụ nông sản được triển khai quyết liệt. Việc thu hoạch, thu mua vải thiều được thực hiện bảo đảm nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Thông tin về kế hoạch tiêu thụ vải thiều, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, đến nay, vải thiều sớm Tân Yên đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các tập đoàn, siêu thị lớn như: Central Retail, Mega Market, Vinmart+...; các chợ đầu mối hoa quả ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, mở rộng, phát triển thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đối với thị trường xuất khẩu, vải thiều sớm Tân Yên được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều của huyện để xuất khẩu. Ngay trong sáng 26-5, khoảng 20 tấn vải thiều chín sớm của Tân Yên đã lên đường sang Nhật Bản.
Về thông tin kêu gọi “giải cứu nông sản” của tỉnh như dưa hấu, dứa... Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn khẳng định, việc tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang vẫn tương đối ổn định do linh hoạt trong sản xuất, tiêu thụ. Nông sản Bắc Giang chưa cần giải cứu, tuy nhiên, trong lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần sự chung tay hỗ trợ của mọi người để giúp người dân Bắc Giang vững vàng trong đại dịch.
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là ưu tiên số một
Hiện nay, dịch Covid-19 tại Bắc Giang tiếp tục có những diễn biến phức tạp khiến khâu lưu thông, vận chuyển hàng nông sản của Bắc Giang qua các tỉnh, thành phố, cửa khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi bảo đảm các điều kiện về an toàn dịch bệnh. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore...
Đối với việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý, theo quy định hướng dẫn về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch, Bắc Giang nên cử một đầu mối là sở công thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản vào vụ đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên số một của Bộ Công Thương. Theo đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói chung và quả vải nói riêng, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện luồng xanh đối với quả vải xuất khẩu đủ tiêu chuẩn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới theo hình thức chính ngạch. Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu; đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải. Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O...
Bài và ảnh: MINH ĐỨC