Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Bách, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về các kết quả nổi bật của ngành trong thời gian qua, cũng như những nỗ lực trong công cuộc cải cách hệ thống thuế.

Phóng viên (PV): Các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiê%3ḅp (DN), người dân được ngành thuế triển khai từ năm 2020 đến nay đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Bách: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ngay trong năm 2020, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhà nước được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để hỗ trợ DN và người dân. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát, ban hành 21 thông tư để sửa đổi 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí. Về kết quả thực tế, ngành thuế đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả các giải pháp đến từng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Bước sang năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền những giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn, dòng tiền cho DN. Ước tính các giải pháp về thuế, phí đã ban hành trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khoảng 138.000 tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng; số được miễn, giảm là 23.000 tỷ đồng). Ngành thuế đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Vũ Xuân Bách. 

PV: Hệ thống thuế của nước ta đã có sự thích ứng như thế nào để phù hợp với những thay đổi của DN trước tác động bởi dịch bệnh?

 Ông Vũ Xuân Bách: Ngành thuế đã hỗ trợ kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN kê khai hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được các cấp có thẩm quyền ban hành với thủ tục đơn giản và bằng hình thức trực tuyến.

Đồng thời, để phù hợp với những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số của DN, ngành thuế tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Đã có hơn 99,6% tổng số DN tham gia khai thuế điện tử; 98,7% nộp thuế điện tử. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử đã tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thời gian tới, ngành thuế sẽ mở rộng đăng ký thuế điện tử, triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử; tăng cường kết nối thông tin giữa ngành thuế với các cơ quan quản lý nhà nước bằng phương thức điện tử để thực hiện quản lý thuế hiệu quả; đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, DN nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính thuế.

Cán bộ thuế tại Chi cục Thuế TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương kiểm tra dữ liệu hóa đơn điện tử (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19). Ảnh: VIỆT ANH 

PV: Tổng cục Thuế đang tiến hành triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố và tiến tới áp dụng trên cả nước. Ông có thể chia sẻ thêm về những lợi ích trong việc sử dụng hóa đơn điện tử?

 Ông Vũ Xuân Bách: Một trong những giải pháp mang tính đột phá của ngành thuế, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, tạo thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN cũng như chuyển đổi cách thức tổ chức, quản lý của cơ quan thuế để thích ứng với điều kiện mới đó là việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13-6-2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17-9-2021 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2022. Hiện đã thực hiện thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ và Hải Phòng.

Đối với DN, khi sử dụng hóa đơn điện tử theo chuẩn định dạng và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế sẽ giúp DN giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn. DN không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên DN không mất thời gian lập tờ khai thuế GTGT. Khi nộp hồ sơ hoàn thuế, DN không phải gửi bảng kê hóa đơn liên quan đến việc xác định số thuế GTGT được hoàn. Hóa đơn điện tử có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy đã góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.

Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp công tác quản lý thuế đạt hiệu quả cao hơn do hệ thống công nghệ thông tin dễ dàng truy vết hóa đơn để đối chiếu nhằm phát hiện nhanh và kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng hóa đơn khống để thực hiện các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT, trong hạch toán chi phí cũng như khi thanh toán vốn ngân sách. Việc áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố sau đó mở rộng trên cả nước sẽ đáp ứng mục tiêu thực hiện chủ trương “Chuyển đổi số” của Chính phủ, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, người dân, góp phần xây dựng cơ quan thuế hiện đại, minh bạch, cung cấp dịch vụ thuế chuyên nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 HỒNG ANH (thực hiện)