Lực kéo chính cho nền kinh tế giai đoạn tới

Ngay sau ngày đất nước giành độc lập, ngày 13-10-1945, khi nghe tin các nhà công thương nhóm họp, thành lập Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Trong thư, Bác Hồ chỉ rõ: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công-Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào "Công-Thương cứu quốc đoàn" cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân".

Sản xuất công nghệ cao tại Nhà máy bus Trường Hải Thaco. Ảnh: MINH NGỌC

Năm 2004, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng có thể coi là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới.

Trên chặng đường phát triển, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng nhận được sự quan tâm, đồng hành đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân".

Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam được công bố tháng 7-2019, từ chỗ nền kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp khoảng 42% vào GDP của Việt Nam (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và tạo ra ngày càng nhiều việc làm. Năm 2019, số lao động hơn 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, với khoảng 45,2 triệu người. Năm 2018, 3 loại hình doanh nghiệp là: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đã đóng góp tới 90,03% GDP; trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 42,08% GDP.

Sản xuất tự động hóa tại Nhà máy Thaco Mazda. Ảnh: NGỌC LINH

Theo Tổng cục Thuế, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của 1.000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất (tốp V1000) năm 2018 chiếm 60,3% tổng thu ngân sách về thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc làm ăn của các doanh nghiệp ngày càng ổn định khi có 555 doanh nghiệp 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) thuộc danh sách V1000. Chỉ riêng đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng nộp thuế là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), trong năm 2018 đã nộp tới 36.790 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Viettel là doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất.

Đến nay, Việt Nam đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là hơn 700.000 doanh nghiệp theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Như vậy, xét về số lượng doanh nhân trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành lực kéo chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới.

Đóng góp vào quá trình xây dựng thể chế

Từ “thoát nghèo” tới việc “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế kinh tế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Thể chế nào, doanh nghiệp ấy. Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành. Doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo.

Sản xuất bằng robot tại Nhà máy Thaco Bus. Ảnh: NGỌC LINH

Chính doanh nghiệp đang giữ vai trò động lực trong quá trình đổi mới thể chế kinh tế. Có thể nói chưa bao giờ, những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân lại được trân trọng như hiện nay. Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phát động Cuộc vận động: “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách” với các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp của Quốc hội, của Chính phủ, là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế với Đảng và Nhà nước. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa để hiến kế cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) trình tại Đại hội XIII của Đảng.

Hưởng ứng cuộc vận động này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp triển khai Phong trào “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân một sáng kiến” để góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cùng với đó, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động “cà phê doanh nhân” để tạo cơ hội đối thoại, trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và doanh nhân, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thực hiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính tại địa phương, đồng thời đề xuất những chính sách mới.

Doanh nhân cần ý thức rõ hơn nữa về sứ mệnh của mình     

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.

Các ngư dân sử dụng dịch vụ của Mytel (thương hiệu Viettel tại Myanmar). Mytel với các sản phẩm, dịch vụ tốt đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar. Ảnh: LÊ MAI

Có thể thấy trong thời gian qua, mặc dù đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển lớn mạnh, nhưng chất lượng còn ở mức hạn chế. Chất lượng, doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn vươn tầm khu vực và thế giới, như: Viettel, Vingroup, VietJet Air... Trong danh sách tỷ phú của thế giới do tạp chí về kinh doanh nổi tiếng Forbes thống kê thì Việt Nam đóng góp 5 người, bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh... Nhưng số doanh nghiệp, doanh nhân vươn tầm thế giới đó còn quá ít ỏi.

Năng lực doanh nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới cũng mới chỉ được xếp ở hạng trung bình. Công nghệ sử dụng và năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam cũng còn khiêm tốn so các nước trong khu vực. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế Thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Tuy có sự cải thiện nhanh, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN. Vì vậy, nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta vẫn thấy không hiếm những sự phát triển bùng phát, rồi tàn lụi nhanh chóng của không ít doanh nghiệp, doanh nhân. Mà trong đó một nguyên nhân khá phổ biến là do cách làm “ăn xổi”, dựa vào mối quan hệ thân hữu để nhận được sự bao bọc thái quá, vi phạm pháp luật, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, lừa dối khách hàng, sản xuất hủy hoại môi trường...

Có thể nói, mỗi doanh nghiệp khi được sinh ra cần phải ý thức rõ được sứ mệnh của mình, phải thấy được sự hữu ích của mình đối với xã hội, với đất nước. Cụ thể là, doanh nghiệp phải sản xuất ra các sản phẩm, cung cấp các dịch vụ tốt cho xã hội, đóng thuế đầy đủ, chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động, đóng góp cho an sinh xã hội, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Việc ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm với đất nước, với xã hội, luôn hành động đúng sẽ làm cho doanh nghiệp ngày càng được xã hội ủng hộ, ngày càng lớn mạnh lên, phát triển bền vững cùng đất nước.  

HỒ QUANG PHƯƠNG