Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết tới là người góp nhiều công sức trong việc hỗ trợ hàng không Việt Nam mở đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh - Manila (Philippines) vào năm 1985, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp Việt Nam phá vỡ thế bao vây cấm vận và từng bước tiến tới hội nhập quốc tế.

Trong suốt quãng thời gian gần 30 năm đầu tư tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã tạo dựng nên một “đế chế” kinh doanh với nhiều thương hiệu nổi tiếng, cùng hệ thống cửa hàng miễn thuế, dịch vụ bán lẻ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhà hàng cao cấp tại Việt Nam.

 Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tại HNVK 4, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, sau quãng đường 30 năm đồng hành cùng đất nước trong hành trình phát triển và hội nhập quốc tế, ông nhận thấy thời điểm hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn thu hút sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, thế hệ trẻ là nguồn lực tiềm năng lớn cho đất nước. Bởi vậy, Việt Nam nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại quê hương để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước. Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây đã có nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh hiện có gần 100 công ty start-up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của kiều bào trẻ, trong đó đa số từ Mỹ về.

 Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ bên lề hội nghị. Ảnh: MAI VŨ

Để phát huy tối đa khả năng của các doanh nhân kiều bào, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chính phủ có thể xem xét áp dụng cơ chế sandbox cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép.  

Về chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực (Regional Innovation Hubs), doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định, Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên cần quy hoạch các "cụm công nghệ" với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các start-up công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu. Cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực công nghệ của quốc gia mà còn mang đến nguồn vốn và tri thức quốc tế cho quá trình chuyển đổi số. Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các “vườn ươm công nghệ”, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó.

PHƯƠNG LINH - HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.