Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các doanh nhân CCB đã phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, bản lĩnh, sáng tạo, vững vàng “chèo lái” con thuyền doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội.
Ngày 18-4, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ ba, khóa II (nhiệm kỳ 2018-2023) với sự tham gia của hơn 250 đại biểu đại diện cho gần 11.000 doanh nhân CCB, cựu quân nhân cả nước. Chia sẻ tại hội nghị, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch hiệp hội cho biết, giai đoạn 2019-2021, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức, khó khăn chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp, một bộ phận đã phải tuyên bố phá sản. Song, đáng chú ý, đến nay trong toàn Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào rơi vào tình trạng ấy.
 |
Trao Cờ thi đua của Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020. |
Để có được thành quả trên, các doanh nhân CCB đã phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình như trong bối cảnh chuỗi cung hàng hóa bị đứt gãy vì đại dịch Covid-19, hiệp hội đã trở thành cầu nối, kêu gọi các doanh nghiệp trong hiệp hội tiêu thụ sản phẩm của nhau, chia sẻ nguồn cung nguyên liệu... “Những doanh nhân CCB khi về làm kinh tế, ngoài sự nhạy bén trên thương trường đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đặc biệt phát huy ý thức, tổ chức kỷ luật nghiêm ngặt của người lính để không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và lan tỏa tinh thần nhân ái, hết lòng đóng góp ủng hộ cộng đồng”, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Phó chủ tịch thường trực hiệp hội cho biết, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam được thành lập từ năm 2013, từ chỗ quy mô nhỏ, đến tháng 6-2021, hiệp hội đã hoàn thành công tác phát triển hội viên; 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức hội, câu lạc bộ doanh nhân CCB. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp CCB trong hiệp hội từ năm 2019 đến 2021 đạt 150 nghìn tỷ đồng; nộp thuế nhà nước hơn 10 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 800 nghìn lao động chủ yếu là CCB và con em CCB; tạo thu nhập cho người lao động bình quân từ 4 đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội, các doanh nhân CCB Việt Nam còn nêu cao ý thức trách nhiệm với xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện và hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội. Tính từ năm 2019 đến nay, hiệp hội đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng làm từ thiện, trao tặng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội tặng đối tượng chính sách, người có công và người nghèo trên cả nước, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ vaccine phòng Covid-19; ủng hộ triệu phần quà đại đoàn kết... Tính riêng trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các doanh nghiệp, doanh nhân CCB trong cả nước đã tích cực tham gia các cuộc vận động ủng hộ phòng, chống dịch; quỹ vaccine với số tiền và hiện vật trị giá gần 700 tỷ đồng... Tiêu biểu như gia đình Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm đã đóng góp 500 tỷ đồng tặng Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ và 163 tỷ đồng mua các trang thiết bị, hệ thống máy móc, thiết bị y tế trang bị cho các cơ quan, tổ chức tuyến đầu chống dịch và các bệnh viện; Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Phước ủng hộ tiền và vật chất trang thiết bị y tế tổng cộng 18 tỷ 284 triệu đồng. Trong đó, doanh nhân CCB Nguyễn Thị Hồng Tươi, Phó chủ tịch hiệp hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Phước ủng hộ hơn 16 tỷ đồng....
Chia sẻ tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam và các doanh nhân CCB trong thời gian qua. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các doanh nhân CCB là tấm gương, biểu tượng về ý chí vượt khó vươn lên, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho xã hội, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển, hội nhập của đất nước. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam mong rằng hiệp hội sẽ tập trung, đoàn kết, thống nhất xây dựng hiệp hội vững mạnh về mọi mặt; tăng cường giao lưu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp trong hiệp hội và giúp nhau cùng phát triển; tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội...
Với tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, về phương hướng hoạt động năm 2022, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để thực hiện được tốt nhiệm vụ này, các doanh nghiệp, doanh nhân trong hiệp hội sẽ quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, tìm và tiếp cận sản phẩm mới sau đại dịch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở cơ sở; đặc biệt bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả...
MINH AN