Đánh giá Lào là thị trường còn nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp quân đội đã đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó chú trọng tổ chức các sự kiện giao thương trực tiếp.

Kỳ vọng ở thị trường Lào

Dù là nền kinh tế quy mô nhỏ trong khu vực ASEAN, nhưng thị trường Lào hiện nay rất giàu tiềm năng để các nhà đầu tư, DN khai thác. Đối với Việt Nam, thị trường Lào luôn được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để DN trong nước phát triển thị trường vào các nước ASEAN. Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, có ưu thế về thuận tiện giao thông, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và tiêu dùng. Hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu.

leftcenterrightdel

Gian hàng của một doanh nghiệp Quân đội khi tham gia hội chợ xúc tiến thương mại được tổ chức tại Lào. Ảnh: THANH SƠN 

Thời gian qua, việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương; trong đó có Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai quốc gia. Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam-Lào đạt 4,5 tỷ USD (trung bình đạt hơn 1 tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm). Đáng chú ý, từ đầu năm 2021 trở lại đây, giao thương giữa Việt Nam-Lào đã tăng trưởng mạnh mẽ, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,37 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 33,3% so với năm 2020. Trong 7 tháng năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt 948,9 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả... Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, triển vọng và dư địa cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn còn nhiều.

Cơ hội để quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp Quân đội Việt Nam

Để “mở đường” cho DN Việt Nam vào Lào, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam tổ chức. Sắp tới, từ ngày 3 đến 7-11, Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm “Chào mừng Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào 2022” .

Hội chợ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Lào Itech, thủ đô Vientiane, Lào, với diện tích khoảng 6.500m2, bao gồm các khu triển lãm và hội chợ. Trong đó, khu triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu một số hình ảnh về quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước Việt Nam-Lào; một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến của các đơn vị, DNQĐ; các sản phẩm công nghệ tiêu biểu phục vụ quốc phòng và dân sinh... Khu hội chợ dự kiến có khoảng 70-90 đơn vị, DN tham gia, tương ứng với khoảng 100-120 gian hàng của các DN trong và ngoài Quân đội và một số doanh nghiệp nước bạn Lào dự kiến tham gia; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng, có uy tín về các lĩnh vực như: Dệt may, da giày, nông lâm hải sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, điện-điện tử, cơ khí, hoá chất, vật liệu xây dựng, nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các DN, đơn vị của Việt Nam tham gia hội chợ cho biết, Hội chợ triển lãm “Chào mừng Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào 2022” là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5-9-1962 / 5-9-2022); 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18-7-1977 / 18-7-2022). Hội chợ được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là DNQĐ phát huy lợi thế sẵn có để phát triển, mở rộng thị trường; tìm hiểu, gặp gỡ tiếp xúc với các đối tác tiềm năng, các tập đoàn thương mại lớn để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ sang thị trường Lào. Từ đó, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của các DNQĐ Việt Nam đến DN nước bạn Lào nói riêng và các tổ chức, tập đoàn, DN nước ngoài nói chung. “Hội chợ góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống, sự gắn kết giữa Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước; qua đó, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng, tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, nhằm nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế”, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) chia sẻ.

Theo Đại tá Chu Việt Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), hội chợ này có ý nghĩa rất lớn trong việc khôi phục và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của DN Việt Nam và Lào. Sự kiện này cũng là cơ hội để các DN Việt Nam tìm hiểu về chính sách thương mại và đầu tư của Lào, thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Lào phát triển tương xứng với tiềm năng. Tham gia hội chợ lần này, ngoài sản phẩm truyền thống là phụ kiện nổ, thuốc nổ, pháo hoa phục vụ lễ hội, Nhà máy Z121 còn có sản phẩm quả cầu chữa cháy. Đánh giá Lào là thị trường rất tiềm năng, nhất là việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thị hiếu tiêu dùng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, các DNQĐ mở rộng hơn nữa giao thương với nước bạn.

 (còn nữa)

GIA MINH - HƯNG DUNG