Việc kéo dài thời gian ngừng huy động phần công suất chưa có giá điện ở dự án điện mặt trời đang gây lãng phí nguồn năng lượng tái tạo và doanh nghiệp đầu tư gặp nhiều khó khăn, thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày. Vận hành, khai thác hiệu quả dự án điện mặt trời đang được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, đồng thời cần có các cơ chế quản lý, vận hành thống nhất, đồng bộ giúp các dự án năng lượng tái tạo phát triển bền vững.
Giảm công suất nhà máy điện khiến doanh nghiệp gặp nhiều thiệt hại
Từ 1-9-2022, 172MW trong tổng 450MW (chiếm 40%) công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã bị ngưng huy động với lý do phần công suất này nằm ngoài room 2.000MW được hưởng ưu đãi về giá điện. Vì thế, 172MW của nhà máy điện mặt trời Trung Nam ở tỉnh Ninh Thuận hiện phải ngưng hoạt động dù Chính phủ và các cơ quan chức năng có nhiều chỉ đạo, kiến nghị sớm khôi phục vận hành khai thác trở lại.
 |
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đang ngưng khai thác một phần gây khó khăn cho doanh nghiệp. |
Việc kéo dài thời gian ngừng huy động phần công suất chưa có giá điện của dự án nhà máy điện mặt trời 450MW được nhiều cơ quan chức năng đánh giá là gây ra sự lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đóng góp cho ngân sách nhà nước tại địa phương. Ngày 11-10, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận được văn bản của Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, EVN tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, ngày 31-8-2022, Công ty mua bán điện có văn bản số 6082/EPTC-KDMĐ thông báo ngừng huy động công suất phần chưa có giá điện. Việc dừng khai thác công suất chưa có giá điện của Nhà máy điện mặt trời 450MW gây thiệt hại cho dự án khoảng gần 2 tỷ đồng/ngày, tính đến thời điểm báo cáo số tiền thiệt hại do dừng huy động công suất lên tới 80 tỷ đồng.
Theo ý kiến của nhà đầu tư, dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW được UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 70/TTg-CN ngày 9-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ (đưa vào vận hành đồng bộ dự án trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia).
Dự án hoàn thành đáp ứng các yêu cầu và cam kết theo hồ sơ thông báo mời quan tâm thực hiện dự án do tỉnh phát hành, gồm hoàn thành đưa vào vận hành đồng bộ dự án trong năm 2020, truyền tải công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Bên cạnh đó, trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tiếp tục chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chi phí quản lý vận hành trạm biến áp 500kV Thuận Nam. Việc này làm cho nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện việc trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo phương án tài chính của dự án. Hơn nữa, Trạm biến áp 500kV Thuận Nam là một mắt xích quan trọng trong việc giải tỏa công suất cho nhiều dự án năng lượng trên địa bàn. Mới đây nhất, trạm biến áp này được đấu nối để giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong (TBA 500kV Vân Phong và đấu nối; ĐZ 500kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân; ĐZ 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào ĐZ 500kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân.)
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc kéo dài thời gian ngừng huy động phần công suất chưa có giá điện của Nhà máy điện mặt trời 450MW sẽ gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thiệt hại cho Nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Sớm xử lý dứt điểm, đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn điện năng dự án trọng điểm
Nhằm khai thác hiệu quả dự án điện mặt trời 450MW Ninh Thuận và kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp đã được Chính phủ, cơ quan chức năng và UBND tỉnh Ninh Thuận vào cuộc chỉ đạo, kiến nghị. Ngày 9-9-2022, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo đã có văn bản 1828/ĐL-NLTT nhận xét rằng, việc dừng khai thác dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời trên địa bàn Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị các bên liên quan. Tiếp đó, ngày 5-10, Văn phòng Chính phủ cũng có Thông báo 316/TB-VPCP liên quan đến việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện 450 MW được tổ chức họp ngày 24-9-2022: Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.
 |
Kỹ sư vận hành nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. |
Tuy nhiên, sau khi hai văn bản này ban hành thì cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ một động thái nào cho thấy phía EVN sẽ tiếp tục tái huy động lại 40% công suất đang bị cắt giảm. Để kịp thời xử lý vấn đề này thì ngày 7-10-2022, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tiếp tục có văn bản yêu cầu EVN thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan đối với Nhà máy điện mặt trời 450MW.
Ngày 13-10 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có bản kiến nghị gửi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Văn bản nhấn mạnh cần giải quyết dứt điểm kiến nghị của nhà đầu tư tại dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW, UBND Ninh Thuận nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, góp phần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.
BẢO MINH