QĐND - Các trường THPT trong cả nước đã cho học sinh lớp 12 đăng ký chọn các môn thi tốt nghiệp THPT và để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Qua khảo sát bước đầu cho thấy, số học sinh lựa chọn 2 môn Vật lý và Hóa học chiếm tỷ lệ rất cao, có trường lên đến 85%-90%. Trong khi đó, các môn Lịch sử, Địa lý có rất ít thí sinh đăng ký, đáng buồn nhất là môn Lịch sử. Hai năm nay, khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quyền tự chủ cho học sinh toàn quyền quyết định, lựa chọn môn thi, tất nhiên, các em sẽ chọn thi những môn mà mình có thế mạnh, học tốt, những môn có liên quan thiết thực đến việc thi, xét tuyển đại học, cao đẳng. Đó là một thực tế. Chúng ta không nên trách các em, càng không nên nâng cao quan điểm, cho rằng các em không chọn các môn Lịch sử, Địa lý là lệch lạc, không yêu nước, "quay lưng" với lịch sử dân tộc. Cũng không hẳn học sinh không chọn môn xã hội là do sách giáo khoa khô khan, thầy cô giáo dạy thiếu hấp dẫn, lôi cuốn.

Theo tôi, lý do chính dẫn tới tình trạng trên xuất phát từ bối cảnh xã hội. Xu thế chung, "cánh cửa" ngành nghề, việc làm dành cho các thí sinh, sinh viên học ngành khoa học xã hội-nhân văn ngày càng hẹp, trong khi đó, nhu cầu, cơ hội việc làm cho các ngành nghề khoa học tự nhiên, kỹ thuật lúc nào cũng rộng mở. Vì thế, bắt buộc hay kêu gọi học sinh học và thi các môn xã hội, khối C là điều rất khó khăn.

Để chống tư tưởng học lệch, học đối phó, đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất người học, ngành giáo dục nên thực hiện đồng bộ và có hiệu quả lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Điều kiện thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT phải đạt mức học lực loại trung bình ở lớp 12 trở lên (vì hiện nay, mức học lực yếu vẫn được thi) vừa phù hợp với cách đánh giá, xếp loại học sinh phổ thông, vừa buộc học sinh lớp 12 không thể coi thường, lơ là, chểnh mảng mà phải học đều các môn. Đề thi nên được ra theo hướng vận dụng kiến thức tổng hợp, để trả lời được, giải đúng thì phải sử dụng nhiều đơn vị kiến thức, các môn học khác nhau, như cách làm của Đại học Quốc gia Hà Nội đang áp dụng. Quy chế thi tốt nghiệp THPT và kể cả những đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước cần được nghiên cứu thật kỹ lưỡng, có tính ổn định trong nhiều năm để nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh bớt lo lắng, trông ngóng, thậm chí hoang mang mỗi khi năm học đến, mùa thi về.

ĐỖ TẤN NGỌC