Hải Hậu trước đây có diện tích sản xuất muối tương đối lớn với hơn 400ha, chủ yếu được phân bố ở 6 xã ven biển, gồm: Hải Lý, Hải Đông, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hòa, Hải Xuân. Nhưng hiện tại, chỉ còn lại 3.000 hộ dân làm nghề này trên diện tích khoảng 270ha.
Ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu chia sẻ: Hiện tại, ít có nghề nào tốn công sức mà thu nhập lại thấp như làm muối. Trung bình vào thời điểm này giá muối là khoảng 900 - 1.000 đồng/kg. Thu nhập của các hộ làm muối cũng chỉ từ 1-1,3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ muối của các tỉnh như: Bình Thuận, Khánh Hòa... khiến cho thị trường của muối Hải Hậu cũng bị thu hẹp đáng kể. Lượng muối của bà con diêm dân làm ra thường ở tình trạng “cung vượt cầu”, thậm chí khi vào thời điểm năng suất cao thì giá lại giảm mạnh. Chính vì thế, các hộ làm muối buộc phải rút bớt nhân lực để chuyển sang các ngành nghề khác như: Dệt lưới, đánh bắt cá xa bờ, đi xuất khẩu lao động…
Nhiều diện tích làm muối tại huyện Hải Hậu đã được chuyển thành ao nuôi tôm. Ảnh: Thanh Hoa.
Hải Lý là một trong những xã đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích làm muối sang nuôi tôm. Ông Vũ Viết Văn, Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết, sau một thời gian đầu tư nuôi tôm, kinh tế của nhiều gia đình khấm khá hơn hẳn. Học tập từ những người đi trước, đến nay, hơn một nửa số hộ dân của xã đã chuyển đổi thành công mô hình nuôi tôm.
Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi tôm thành công nhất xã Hải Lý của ông Bùi Trọng Trinh. Nằm trên mặt đường lớn, ngôi nhà 4 tầng bề thế của ông Trinh nổi bật so với những ngôi nhà xung quanh. Ông Trinh hào hứng kể: “Trước đây, cả gia đình tôi đều làm muối, cuộc sống khó khăn. Gần 10 năm trước, cùng số tiền tích góp được và tiền vay mượn, tôi đã mua một số ruộng muối bị bỏ hoang của hàng xóm để đầu tư đào ao nuôi tôm. Nhờ áp dụng đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm của huyện, sau một thời gian, những ao nuôi tôm này bắt đầu sinh lợi”. Đến nay, ông Trinh đã có khoảng 3ha nuôi tôm và được chia thành 11 ao đem về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm. Cũng như các hộ nuôi tôm khác trong huyện, ông Trinh chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, sau khoảng 3 tháng sẽ thu được một lứa. Giá bán được phân theo kích cỡ, loại 70 con/kg có giá khoảng 120.000-130.000 đồng/kg, đối với loại 50 con/kg có giá khoảng 180.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Hồng cho biết, huyện Hải Hậu đã chuyển đổi được hơn 100ha ruộng muối sang mô hình nuôi tôm, trong đó, điển hình là các xã: Hải Chính (53ha), Hải Lý (33ha), Hải Đông (32ha) với tổng cộng hơn 1.700 hộ.
Để thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm, huyện Hải Hậu đã đưa ra mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha cho những vùng có diện tích chuyển đổi 5ha trở lên. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật nuôi tôm cho người dân, giúp người dân nuôi tôm đúng cách. Cho đến nay, hầu hết các hộ nuôi tôm đã sử dụng công nghệ máy sục oxy, xây dựng ao kiên cố, thực hiện ke bờ bằng bê tông hoặc phủ bạt. Nhờ vậy, năng suất và chất lượng cũng đã cao hơn so với những năm trước.
Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có đủ lực để chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm, bởi chi phí đầu tư khá lớn. Theo ông Bùi Trọng Trinh, để chuyển đổi 1ha làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ mất từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng cho việc đào ao, mua con giống, máy móc... Vì thế, song song với việc chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm, UBND huyện Hải Hậu đã có những chính sách để giữ nghề làm muối truyền thống và hướng tới việc sản xuất muối sạch, muối chất lượng cao. Huyện Hải Hậu đã thực hiện quy hoạch một số vùng sản xuất muối ở các xã: Hải Đông, Hải Chính, Hải Triều để hỗ trợ các hộ dân làm muối đầu tư hệ thống bạt phơi, đưa nước biển lên thông qua hệ thống lọc nhằm loại bỏ các tạp chất. Cùng với đó là xây dựng các kho chứa muối hiện đại hơn, bảo đảm muối khi xuất kho sẽ đạt độ tinh khiết. Qua đó, giúp nâng cao sản lượng và chất lượng muối của diêm dân Hải Hậu.
LÊ HIẾU - NGUYÊN VŨ