Vì vậy, một số bộ, ngành đã đề xuất các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho phép shipper hoạt động với điều kiện kiểm soát chặt chẽ.
Chị Đỗ Phương Nhung, quận 4, TP Hồ Chí Minh thường xuyên “đi chợ online”, nhất là từ khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Nhưng chị Nhung thừa nhận mấy ngày nay, mua hàng hóa, thực phẩm thiết yếu (gạo, rau...) gặp khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy vì cửa hàng lúc thì quá tải, lúc lại không có shipper.
 |
Nhân viên của Tổng công ty Cổ phẩn Bưu chính Viettel thực hiện giao hàng cho người tiêu dùng. Ảnh: VĂN THƯƠNG |
Bảo vệ chuỗi cung ứng được xác định là mục tiêu quan trọng để vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế; nhưng mắt xích của chuỗi ấy là lực lượng shipper lại đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới dòng chảy lưu thông hàng hóa thiết yếu, tác động đến sinh hoạt thường ngày của người dân, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng: Để tháo gỡ khó khăn cho khâu lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, một trong những giải pháp cần thực hiện đó là duy trì đội ngũ shipper. Đây cũng là giải pháp góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch (PCD) bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Đồng tình với quan điểm này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Việc tăng cường mua-bán hàng trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Tuy nhiên, để duy trì đội ngũ này, cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị, từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ này, bảo đảm tuân thủ các quy định về PCD.
Liên quan tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ shipper, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: "Đơn vị đã có công văn gửi tới Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16. Quan điểm của Bộ Công Thương là nên duy trì đội ngũ shipper có điều kiện. Điều kiện hoạt động là các sàn TMĐT, công ty giao nhận phải đăng ký danh sách nhân viên hoạt động với sở giao thông vận tải (GTVT). Theo tinh thần này, các shipper của các sàn TMĐT sẽ được sàn đăng ký trực tiếp với sở GTVT. Tương tự, nếu siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm có nhu cầu thuê đối tác vận chuyển hàng hóa thì siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm phải đứng ra đăng ký shipper với sở GTVT. Shipper chỉ được vận chuyển hàng hóa cho siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm. Liên quan tới hoạt động của shipper trên địa bàn TP Hà Nội, mới đây, địa phương này đã có hướng dẫn cho shipper giao nhận hàng hóa thiết yếu. Theo đó, Sở Công Thương TP Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm lập danh sách nhân viên thực hiện giao nhận-vận chuyển bằng xe máy gửi về Sở Công Thương tổng hợp để gửi sở GTVT chấp thuận. Sở GTVT sẽ chấp thuận bằng gửi qua tin nhắn cho các lái xe để tham gia vận chuyển hàng hóa. Lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác PCD đối với hàng hóa và nhân viên giao nhận.
MINH ĐỨC