Thiếu chuỗi sản xuất trong các khu công nghiệp

VKTTĐMT được thành lập theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hiện toàn vùng có 4 khu kinh tế lớn là: Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định); 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng; 24 khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư đồng bộ. Những năm qua, các địa phương trong vùng tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong và ngoài vùng vào phát triển công nghiệp. Một số ngành công nghiệp nổi trội tạo nên tính đặc thù và thế mạnh của vùng như: Lọc hóa dầu, lắp ráp ô tô, điện tử, dệt may, da giày, chế biến thủy sản…

leftcenterrightdel
  Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. 

Sau 8 năm thành lập, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân của vùng đạt 9,4%. Cơ cấu kinh tế của vùng đã chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ du lịch. Giai đoạn 2011-2015, 4 khu kinh tế và hệ thống các khu công nghiệp trong vùng đã phát triển, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển sản xuất-kinh doanh. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này đạt khoảng 470.000 tỷ đồng. Đây là thành tích đáng khích lệ đối với một vùng mà đời sống nhân dân còn nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, bất cập.Tìm hiểu thực tế tại các khu công nghiệp trong vùng cho thấy, về lĩnh vực hoạt động của các dự án rất đa dạng: Từ các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản, thức ăn gia súc… đến ngành sản xuất gạch, ngói, bao bì, điện tử, may mặc… Tuy nhiên, ngoài các ngành dân dụng đơn giản, các cơ sở công nghiệp trong vùng mới chỉ đầu tư, xây dựng một số công đoạn nhất định của cả dây chuyền sản xuất, chủ yếu đầu tư công đoạn cuối là lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm, hầu như không có bóng dáng các chuỗi sản xuất trong những khu công nghiệp. Các địa phương trong vùng đều có sự năng động và nỗ lực cao trong việc phát triển công nghiệp, có nhiều lợi thế về biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào… Tuy nhiên, thiếu sự liên kết và hợp tác dẫn đến tình trạng cơ cấu ngành công nghiệp ở các địa phương có sự tương đồng, dẫn tới tình trạng phân tán nguồn lực đầu tư, thậm chí cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư ngoài vùng vào phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng. Do đó, công nghiệp trong VKTTĐMT còn nhỏ bé, trình độ trang bị công nghệ chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn thấp so với các vùng khác trong nước…

Đề cập về những hạn chế, bất cập của ngành công nghiệp tại VKTTĐMT những năm qua, ông Đặng Đình Đức, Giám đốc Trung tâm tư vấn-Nghiên cứu phát triển miền Trung cho biết, tăng trưởng của ngành công nghiệp trong vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên vẫn phát triển mạnh, giá trị gia tăng thấp; chưa có sự gắn kết trong khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản (titan, zircon…) dẫn đến xuất khẩu chủ yếu là quặng thô chưa qua chế biến, hiệu quả thấp. Công tác phối hợp giữa các tỉnh trong xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế; phân bổ công nghiệp theo thế mạnh của từng địa phương trong vùng chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát triển tự phát ở mỗi địa phương hiện đang không theo quy hoạch tổng thể vùng dẫn đến các liên kết công nghiệp bị cắt khúc bởi ranh giới hành chính của các địa phương trong vùng. Sự chỉ đạo thực hiện việc liên kết chặt chẽ trong phát triển công nghiệp giữa các tỉnh trong vùng của các cấp chính quyền, bộ, ngành còn bị xem nhẹ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng nhằm tạo ra chính sách chung để những nhà đầu tư nhìn thấy ở đó cơ hội đầu tư công khai và bình đẳng.

Cần sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương

Quy hoạch phát triển công nghiệp VKTTĐMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2836/QĐ-BCT, ngày 6-5-2013 xác định: Đến năm 2020, VKTTĐMT cơ bản là vùng công nghiệp theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng trong quá trình CNH, HĐH của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp VKTTĐMT tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cả vùng. Hội đồng VKTTĐMT cũng đã họp và đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng khoảng 9%/năm, phấn đấu tăng mức đóng góp ngân sách cho cả nước lên 7,5%; tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 45%.

leftcenterrightdel
  Sản xuất, lắp ráp ô tô tại Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải.
Để ngành công nghiệp phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vùng cần phải giải quyết nhiều vấn đề từ nhiều phía khác nhau, trong đó, cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp trong vùng với các địa phương khác để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp; tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, ngành điện tử và công nghệ thông tin; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; ngành dệt may, da giày. Hình thành sự phân công hợp tác sản xuất, tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm…

 

Thực tế tại các địa phương, tuy trình độ phát triển công nghiệp của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đặt ra, nhưng đã hội tụ được những điều kiện tiền đề thuận lợi cho việc hình thành và phát triển cụm liên kết công nghiệp trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày và ô tô. Thiết nghĩ, những năm trước mắt, vùng có thể lập đề án và triển khai thí điểm hình thành, phát triển cụm liên kết công nghiệp dệt may. Đây là ngành có những điều kiện thuận lợi nổi trội hơn so với các ngành công nghiệp khác trong vùng. Đó là sự phát triển các doanh nghiệp chuyên môn hóa theo các khâu khác nhau của chuỗi giá trị dệt may (kéo sợi, dệt, may, công nghiệp hỗ trợ dệt may); tích tụ sản xuất đạt trình độ khá cao với hàng trăm doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở tất cả các địa phương trong vùng; công nghiệp hỗ trợ dệt may đang trên đà phát triển mạnh tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam.

Những năm qua, Đà Nẵng là địa phương có năng lực cạnh tranh tốt, để xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, thành phố tập trung phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, chú trọng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, coi trọng cả công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa…

Theo TS Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cần lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng trong từng giai đoạn. Trước mắt, với 3 trung tâm: Điện tử và công nghệ thông tin tại Đà Nẵng, cơ khí ô tô tại Quảng Nam, chế biến gỗ tại Bình Định đã cơ bản được hình thành, phát triển, cần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành để cung cấp linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác cho 3 trung tâm này để gia tăng giá trị của sản phẩm. Các cụm liên kết ngành có thể phát triển trong cả khu vực Duyên hải miền Trung (cả Bắc và Nam Trung Bộ) và mở rộng lên khu vực Tây Nguyên. Ngoài các cơ chế chính sách chung của Nhà nước, các địa phương trong vùng có thể thống nhất để có thêm những ưu đãi chung cho mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần thu hút đầu tư (tránh tình trạng ưu đãi riêng gây nên tình trạng cạnh tranh không cần thiết). Các địa phương trong vùng cần liên kết để tổ chức các hội nghị giới thiệu về môi trường đầu tư chung, triển lãm những sản phẩm công nghiệp, xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất công nghiệp của từng địa phương và của cả vùng…

Thời gian qua, các tỉnh trong vùng bước đầu đã thống nhất liên kết, hợp tác để vừa kết hợp các thế mạnh của nhau thành thế mạnh chung của vùng, vừa phân công mỗi địa phương sẽ lựa chọn những thế mạnh nổi trội của mình để phát triển công nghiệp. Cụ thể như: Thừa Thiên-Huế sẽ phát triển mạnh ngành dệt may, da giày; Đà Nẵng, trung tâm của vùng sẽ phát triển các ngành công nghệ cao (điện tử, tin học); Quảng Nam sẽ phát triển thành trung tâm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ô tô, xe gắn máy; Quảng Ngãi sẽ là trung tâm lọc hóa dầu và cơ khí nặng; Bình Định sẽ phát triển công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu thủy sản, chế biến sâu quặng ti-tan. Định hướng cơ cấu này nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra sự phát triển bền vững của cả vùng.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG