Hộ làm ăn giỏi thu nhập 2,5 tỷ đồng/năm
Tại Hà Tĩnh, chính sách giao đất, giao rừng đã tạo ra các chủ rừng đích thực. Hà Tĩnh hiện có 360.970ha rừng và đất lâm nghiệp. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là 309.874ha, trong đó cấp cho 19 tổ chức và 26.920 hộ gia đình. Người dân nhận đất, rừng yên tâm đầu tư kinh phí, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định, diện tích và chất lượng rừng ngày càng tăng.
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Trần Quốc Viện (xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) trên diện tích đất lâm nghiệp được giao. Ảnh: THANH HOÀI .
Ông Nguyễn Công Tố, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đúng mục đích. Chính sách này đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhân dân miền rừng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, môi trường sinh thái trên địa bàn”.
Nhiều địa phương những năm trước có diện tích đồi trọc, nghèo kiệt lớn, đến khi giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình thì rừng ngày càng xanh tươi, trù phú, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Giang Nam (xóm Tân Kỳ, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh) làm đơn xin UBND xã giao 13ha đất hoang hóa trên địa bàn. Sau nhiều năm khai hoang, gia đình anh Nam đã phát triển mô hình kinh tế trang trại. Ngoài việc tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình, gia đình anh còn tạo việc làm cho 5-10 lao động địa phương. Mô hình của gia đình anh được tặng danh hiệu "Chủ mô hình trồng rừng tiên tiến". Anh Nam, cho biết: “Hiện nay gia đình tôi có 12ha rừng keo, tràm cùng các loại cây gỗ quý như gió trầm, sưa đỏ…Ngoài ra, tôi còn thả 1.000 con gà và trồng xen cây ngắn ngày như sắn, ngô, đậu, lạc… Mỗi năm thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng. Trong vài năm tới có thể thu về khoảng 5 tỷ đồng/năm”.
Việc cấp giấy CNQSDĐ còn chậm
Mặc dù đạt được hiệu quả đáng ghi nhận, nhưng trong công tác giao đất, giao rừng còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc bởi sự chồng chéo giữa các văn bản luật và các vướng mắc trong công tác thực hiện dẫn đến tiến độ giao đất, giao rừng còn chậm, chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị quản lý… Ông Trần Ngọc Bình, Chánh văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ rõ: “Ở Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác việc giao đất giao rừng vẫn chưa đi vào thực chất. Việc cấp giấy CNQSDĐ còn rất chậm. Nhiều công ty, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân, chủ rừng tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… được giao rừng và đầu tư phát triển từ vài chục năm trước mà vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ".
Huyện Hương Khê là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Diện tích các chủ rừng đang quản lý là 81.480ha. Việc giao đất cơ bản đã hoàn thành, song việc cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân còn một số khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết: “Việc giao giấy CNQSDĐ cho các hộ dân đến nay vẫn chưa hoàn thành bởi một số lý do, nhất là về kinh phí. Theo quy định Nhà nước hỗ trợ một phần và một phần từ các chủ rừng, nhưng việc huy động nguồn tài chính từ các hộ dân này rất khó khăn. Nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã có giấy CNQSDĐ nhưng vẫn chưa trao được cho các hộ do các hộ dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính”.
Ngoài ra, việc thanh lý, chấm dứt hợp đồng trên diện tích thu hồi của các Ban quản lý rừng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xử lý tài sản trên đất và giải quyết quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đối với diện tích bị thu hồi cũng ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy CNQSDĐ. Trường hợp của 19 hộ xóm Phố Tây, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn là một ví dụ. Từ năm 1990 đến nay, 19 hộ dân được sự cho phép của chính quyền đã chung vốn, chung sức để khai hoang, phát triển sản xuất. Trên diện tích được giao khoán, các hộ gia đình còn xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung… Đến nay, bình quân thu nhập của mỗi hộ đạt 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 70-80 người dân trong vùng. Sau nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền để làm giấy CNQSDĐ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề tài sản trên đất với Tổng đội thanh niên xung phong nên chưa thể cấp giấy CNQSDĐ.
Hỗ trợ người dân hiệu quả hơn
Vừa qua, tại Hà Tĩnh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN& PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi đối thoại chính sách thực trạng giao đất, giao rừng, trong đó nêu rõ những tồn tại và đề xuất pháp để đẩy mạnh việc giao đất, gắn với giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp trên toàn quốc nói chung và địa bàn Hà Tĩnh nói riêng. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về giao đất, giao rừng cho phù hợp với thực tế; có chính sách thích hợp khuyến khích mọi thành phần tham gia nhận đất, nhận rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả.
Ông Nguyễn Khắc Hữu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh, kiến nghị: “Hiện nay, huyện Kỳ Anh còn 700ha đất rừng phòng hộ chưa giao và đang tiến hành giao nhưng chưa thực hiện được bởi có sự chồng chéo về các văn bản luật. Trong khi Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước chỉ giao đất rừng phòng hộ khi hộ gia đình phải sinh sống trong rừng phòng hộ thì Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 lại quy định hộ gia đình, cá nhân được giao đất rừng phòng hộ phải sinh sống trên địa bàn cấp xã nơi có rừng. Theo tôi, cần điều chỉnh nội dung của các quy định cho phù hợp và giữa các bộ, ban ngành cần có sự thống nhất để tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện”. Theo quy định thì chủ trì thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ là ngành Tài nguyên-Môi trường, nhưng Hà Tĩnh lại giao cho Sở NN& PTNT là cơ quan chủ trì đề án nên dẫn đến quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang, đề xuất: “Cần sửa đổi luật, biên chế một cán bộ chuyên trách đất lâm nghiệp để quản lý hồ sơ, thực hiện công tác giao đất, giao rừng, tham mưu, đề xuất cho địa phương để thực hiện tốt hơn vì cán bộ kiểm lâm thường xuyên phải luân chuyển”. Mặt khác, sau khi giao đất, giao rừng, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển rừng cho hộ gia đình. Theo ông Nguyễn Khắc Hữu, trong chính sách khuyến khích phát triển hầu hết người dân còn băn khoăn về giá trị gia tăng của cây lâm nghiệp, bởi vậy cần có sự khuyến cáo, hỗ trợ các chủ rừng về các loại cây lâm nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn...
HOÀNG HOA LÊ