- Thưa đồng chí, mấy năm gần đây, Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách Nhà nước luôn vượt kế hoạch. Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến thành tựu này?

- Năm 2016, chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 15,2%, đứng thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 9.600 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với kế hoạch và tăng gấp gần 16 lần so với  năm 1997. Cũng trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã vươn lên đứng ở vị trí thứ ba của cả nước. Từ đầu năm 2017 đến nay, kinh tế Thái Nguyên tiếp tục tăng trưởng ổn định. Hai tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,2%, giá trị xuất khẩu tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016.

leftcenterrightdel

Đồng chí Vũ Hồng Bắc. Ảnh: ĐỒNG KHẮC THỌ 

 

Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ việc cải thiện môi trường kinh doanh theo đường lối của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Thời gian qua, không chỉ chính quyền các cấp của tỉnh nỗ lực, cố gắng mà cả các tổ chức hiệp hội, hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cũng chung tay vì môi trường kinh doanh thông thoáng. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2016, Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng. Đây là lần thứ ba liên tiếp Thái Nguyên đứng trong tốp 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất cả nước. 

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vào triển khai các dự án đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu...

- Đồng chí vừa nhắc đến việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với Thái Nguyên, vậy ngoài chính sách chung của Nhà nước, Thái Nguyên có “trải thêm thảm đỏ”?

- Chính sách thu hút đầu tư của chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật. Thảm đỏ chúng tôi trải để đón các nhà đầu tư, đó là môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, cơ sở hạ tầng tốt, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đến nay, Thái Nguyên đã thu hút hơn 100 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đầu tư nhiều tỷ USD, trong đó, Tâ%3ḅp đoàn Samsung đang tiếp tục mở rộng dự án. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiê%3ḅm, uy tín trong nước như Tập đoàn Vingroup; Công ty Xây dựng Xuân Trường... cũng đang tiến hành thực hiện các dự án đầu tư tại Thái Nguyên.

leftcenterrightdel

Công nhân Nhà máy Luyện thép, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vận hành lò luyện thép. Ảnh: TTXVN 

- Xin chúc mừng những thành tựu của tỉnh trong thời gian qua! Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ làm gì để tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thưa đồng chí?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016-2020 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn với 8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm có vai trò định hướng cho cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững:

Thứ nhất, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương trong thực hành công vụ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đạo đức công vụ; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, tỉnh sẽ huy động tổng hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực hợp lý cho các công trình, dự án lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực phát triển kinh tế, xã hội như: Dự án xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc gắn với Khu du lịch lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; dự án nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

Thứ ba, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thứ tư, tỉnh cũng sẽ thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Thứ sáu, tỉnh sẽ tiếp tục và tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Thái Nguyên không những là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế mà còn là địa phương có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh. Vậy đồng chí có thể cho biết, giải pháp kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh sẽ thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

- Thực tế tại các địa phương trên địa bàn Thái Nguyên đã khẳng định đường lối của Đảng ta về kết  hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng số quốc phòng-an ninh là hoàn toàn đúng đắn. Củng cố quốc phòng-an ninh không chỉ để bảo vệ Tổ quốc, mà còn tạo điều kiện bảo đảm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ngược lại, phát triển kinh tế-xã hội tạo ra những điều kiện cần thiết để củng cố quốc phòng-an ninh. 

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc kết hợp chặt chẽ này. Các dự án xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương đều phải thực hiện đúng quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, để vừa bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 ĐỖ PHÚ THỌ (thực hiện)