Thông điệp của ngày và tháng “Vì người nghèo” năm nay của Việt Nam là “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp này đã vang lên ở nhiều hội nghị, hội thảo và mới đây nhất ở cầu truyền hình trực tiếp "Chung tay vì người nghèo" năm 2017 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuối tuần qua khiến hàng chục triệu con tim người Việt Nam rung động.
Có thể nói, “xóa đói, giảm nghèo” là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đó cũng là một trong những thành tựu lớn nhất của chế độ ta đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong những năm gần đây, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng dành sự ủng hộ rất to lớn đối với công tác giảm nghèo. Với sự nỗ lực của toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về giảm nghèo.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngày “Vì người nghèo” năm nay trùng đúng với thời điểm nhiều địa phương trong cả nước đang phải chịu đựng đau thương, mất mát do những trận mưa lũ kinh hoàng vừa xảy ra. Dự báo trong mấy ngày tới, lũ lụt vẫn có khả năng rình rập. Nhiều hộ khá giả đã trở thành hộ nghèo, nhiều hộ nghèo đã nghèo lại phải nghèo thêm bởi sự tàn phá của thiên tai.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc hành tiến vươn tới mục tiêu ấm no của toàn xã hội, đòi hỏi phải có quyết tâm, trách nhiệm chia sẻ của cả cộng đồng.
Người Việt Nam ta vốn có truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”… Truyền thống này cần được nhân lên và phát huy trong giai đoạn hiện nay. Mô hình “Mỗi gia đình khá giả giúp đỡ một gia đình khó khăn”, “Mỗi cán bộ đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ngôi nhà 100 đồng”… cần được nhân rộng.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trên mặt trận chống đói nghèo đòi hỏi Nhà nước cần phải có những quyết sách mạnh và tiếp sức đúng lúc, đúng đối tượng, ưu tiên những nguồn lực vào những vùng, những khâu, những “bà đỡ”, tạo”điểm tựa” để người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống. Mặt khác cũng cần có những chính sách để người nghèo không tự ti, không ỷ lại, không muốn thoát nghèo.
Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không chỉ đơn thuần là giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải bảo đảm để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Để làm được điều này, đỏi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
ĐỖ PHÚ THỌ