Giá thuốc tăng sẽ đẩy người bệnh gặp nhiều khó khăn trong chi phí điều trị. Ảnh: Quang Thái

*Điều chỉnh một bước về giá và quản lý chặt chẽ thị trường

Sau một thời gian bị kiềm chế, không được tăng giá, đến nay nhiều loại thuốc chữa bệnh trên thị trường bán lẻ đã lên giá khiến người dân lo lắng. Bộ Y tế có những giải pháp gì để ngăn chặn sự tăng giá đồng loạt và bất hợp lý, bảo đảm nguồn cung ứng thuốc khám, chữa bệnh cho nhân dân?

Giá thuốc tăng do giá nguyên liệu cao

Sáng qua, khi chúng tôi dạo quanh nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội thì cảnh mua bán vẫn tấp nập như trước. Dẫu biết là giá thuốc đã tăng nhưng không giống như mặt hàng khác, nhiều người dân vẫn phải mua vì người bệnh không thể thiếu thuốc. Nhiều chủ cửa hàng thuốc cho biết: giá thuốc bán buôn đã tăng cách đây khoảng một tháng nên họ cũng phải tăng giá bán lẻ lên; chủ yếu là nhóm kháng sinh tăng từ 5% đến 10% như: Cephalexin, Ampicillin, Amoxycillin, Cefaclor... Một số loại vitamin thì tăng cao hơn như: vitamin B1 tăng gần 50%, Vitamin B6 tăng 30%, Vitamin C tăng hơn 60% so với đầu năm 2008.

Nhưng có lẽ tăng giá mạnh nhất vẫn là các loại thuốc nhập ngoại. Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ cửa hàng thuốc trên phố Lý Nam Đế cho biết: mấy ngày gần đây, giá nhập một số loại thuốc ngoại tăng rất cao, thậm chí mỗi ngày một giá khác nhau như: Covesyl (thuốc trị huyết áp và tim mạch), Tanakan, Vastren.... Cụ thể, Covesyl trước đây giá bán lẻ là 90.000 đến 93.000 đồng/hộp nay lên gần 110.000 đồng/hộp, Amoxicillin 500g nay 8000 đồng/vỉ (tăng 1000 đồng); vitamin C là 5000 đồng/hộp (tăng 1500 đồng/hộp so với một vài tháng trước)... Giá tăng liên tục khiến những người bán lẻ thuốc như chúng tôi cũng thấy “chóng mặt”. Các doanh nghiệp cung cấp thuốc (cụ thể như Công ty Vilic) thì giải thích rằng: do giá nguyên liệu nhập vào tăng mạnh và giá cả thị trường tăng nên giá thuốc cũng phải tăng theo!

Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm nay, mặc dù giá cả thị trường tăng cao nhưng thị trường thuốc chưa có sự tăng giá đột biến. Có khoảng 2,6% sản phẩm thuốc nhập khẩu tăng giá trong tổng số 13.927 mặt hàng với mức tăng trung bình là 9,13% và có khoảng 1,26% loại thuốc sản xuất trong nước tăng giá trên tổng số 20.613 mặt hàng với mức tăng trung bình là 12,86%. Về cơ bản chúng ta vẫn đủ nguồn thuốc cung cấp cho nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, thiên tai....

Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, từ chối cung ứng biệt dược

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, giá nguyên liệu sản xuất các sản phẩm dược chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới tăng khá cao như: Cephalexin Monohydrate compact tăng 35%, Amoxycillin Trihydrat compact tăng 21,74%, Ampicillin Trihydrat tăng 24,44%, Cefaclor tăng 20%, Vitamin B1 tăng 48,91%, Vitamin B6 tăng 35,85%, Vitamin C tăng 98,76%, Paracetamol tăng 75,37%...

Trước tình hình giá thuốc và nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao nên hiện nay một số công ty dược phẩm nước ngoài đã từ chối cung ứng vào thị trường Việt Nam một số thuốc chuyên khoa đặc trị phục vụ cho nhu cầu riêng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Một số công ty nhập khẩu khác tạm ngừng nhập khẩu vì sợ lỗ, gây tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trong nước. Một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc trong nước cũng thu hẹp sản xuất-kinh doanh, từ chối cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh các mặt hàng thuốc không có lãi do không được tăng giá theo giá thực tế trên thị trường.

Nhiều giải pháp ngăn chặn sự tăng giá đột biến

Theo TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, với đặc thù nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân nên dược phẩm là mặt hàng luôn ở trong tình trạng nhập siêu. Do đó, mặt hàng dược phẩm bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường thế giới qua sự tác động thị trường giá cả tăng cao, giá nguyên liệu sản xuất ở mức cao cũng là tất yếu. Để quản lý giá thuốc, không để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn thuốc cung ứng cho bệnh viện... Thứ trưởng Cao Minh Quang khẳng định: Từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ưu tiên xem xét điều chỉnh tăng giá các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị để tránh hiện tượng thiếu thuốc cục bộ. Ngoài ra, sẽ xem xét điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thuốc mà doanh nghiệp sau khi rà soát, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng giá bán ra vẫn không đủ bù đắp chi phí, không cân đối được thu chi, kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường các giải pháp quản lý để ngăn chặn hiện tượng tăng giá đồng loạt đột biến...

Nhằm tăng nguồn cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh và thị trường bán lẻ, trước mắt Bộ Y tế sẽ đề nghị cho phép điều chỉnh giá thuốc trúng thầu năm 2008 phù hợp với mặt bằng chung của giá thuốc trên thị trường. Tăng cường xét duyệt giấy phép nhập khẩu và nhập khẩu song song thuốc nước ngoài để hạn chế độc quyền nâng giá. Tăng số lượng doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, số lượng đăng ký lưu hành thuốc trong nước và thuốc nhập khẩu. Khuyến khích thực hiện việc gia công thuốc để giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí cho người bệnh. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, trong thời gian tới, ngành y tế cũng sẽ chú ý tăng cường các hoạt động của tổ công tác liên ngành tại Trung ương và địa phương để xem xét kịp thời việc kê khai lại giá thuốc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc phù hợp với mặt bằng giá thuốc chung cả nước. Quản lý giá thuốc nhập khẩu (giá gốc) phù hợp với mặt bằng chung giá thuốc của các nước trong khu vực. Tiếp tục công khai giá gốc của các loại thuốc nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời tăng cường kênh thông tin theo dõi tình hình biến động giá thuốc và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thuốc.

HÀ THANH MINH